
1. Vận động chính sách là một loại hình phát triển (a kind of development) do vậy cơ bản phù hợp với hoàn cảnh hòa bình, có đối tượng là chính sách, người làm chính sách, thể chế thực hiện/thực thi, và người cụ thể thực thi chính sách. Đặc điểm của vận động chính sách là lâu dài, cần nhiều nhóm tham gia, và có tác động lâu dài, tới một số đông người.
2. Chính sách có nhiều cách hiểu, nhưng thường bao gồm nhiều hợp phần từ "hệ tư tưởng của người lập chính sách- hệ giá trị" , đường lối của người cầm quyền, các quy định được luật hóa, các thể chế để duy trì chính sách, các chương trình /dự án xã hội thực hiện chủ chương/luật pháp. Vận động chính sách tương ứng, có thể ở nhiều cấp độ, và ở một hay nhiều khâu của chính sách.
3. Có nhiều nhóm người quan tâm hoạt động và thực hiện chính sách. Họ có thể từ khu vực chính phủ, kinh doanh và xã hội dân sự. Những nhóm này không nhất thiết có một tổ chức rõ ràng và nhóm thủ lĩnh nổi bật, như phong trào phản đối khách sạn ở Đồi Vọng Cảnh - Huế hay phong trào vận động "cho xe thương binh".
4. Có nhiều "thế đứng" trong vận động chính sách: một dải phổ từ "đồng thuận/quy thuận", "hợp tác", "đối thoại", và "đối đầu". Mỗi nhóm vận động có thể chọn hoặc bị sắp đặt vào "thế đứng"; Hiện tại NGO chủ yếu đứng ở thế đứng hợp tác, đoàn thể quần chúng (mass organisations) ở thế đứng đồng thuận. Một số nhóm XHDS chọn thế đứng đối thoại. Cũng có một số ít (ở nước ngoài (?)) chọn thế "đối đầu".
5. Có nhiều kỹ thuật vận động chính sách, trong đó có lobby. Các kỹ thuật khác là vận động bằng nghiên cứu, vận động qua phong trào, vận động thông qua nghị trường (ở môi trường có đa đảng), vận động qua dư luận xã hội (báo chí), và có nhiều hình thức phối hợp khác. Các kỹ thuật cơ bản của vận động chính sách là phi bạo lực.
6. Vận động chính sách là một cuộc cọ sát về quyền lực, vì thế có tính chính trị cao. Các loại quyền lực đều được huy động. Khung lý thuyết về quyền lực (mô hình quyền lực), và lý thuyết thay đổi hành vi (hệ giá trị-động cơ- lợi ích- hành vi) được vận dụng trong xây dựng chiến lược vận động. Các chiến lược vận động cơ bản có mục đích mở rộng quyền lực. Với người vận động, tối ưu là "mở rộng không gian tự khai phá", mở rộng "không gian mời", thu hẹp " không gian đóng", hoặc kết hợp các đường hướng đó. Việc xây dựng quyền lực là một quá trình lâu dài, có những liên kết mạnh với các nhóm đồng minh, trung lập hóa những nhóm đối lập, tạo dựng phong trào, dư luận xã hội, huy động công chúng. Vai trò của media như một quyền lực ngày càng nổi lên mạnh hơn trong vận động chính sách do khả năng dẫn dắt dự luận xã hội. Xây dựng mạng lưới (sau này có thể là lập hội) là một trong nhiều cách xây dựng quyền lực.
7. Vận động chính sách có thể thực hiện được ở cấp cơ sở, cấp tỉnh (me-zo) và cấp trung ương (có thể mở rộng ở cấp quốc tế). Những cuộc vận động chính sách được coi là thành công khi hoạt động nhiều cấp độ.
8. Ở Việt Nam, truyền thống vận động chính sách của người Việt bị đứt quãng do hoàn cảnh chiến tranh, và do cách quản lý xã hội kiểu thời chiến. Trước 1945 có nhiều cuộc vận động chính sách, ví dụ về bình đẳng giới, về quyền tự quyết của dân tộc.
9. Qua các cơ chế viện trợ, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng châu Á (ADB) làm vận động chính sách cho một cơ chế thị trường và họ rất thành công mà không cần ồn ào. Liên hợp quốc (UN) cũng có những vận động mạnh mẽ cho các đường lối phát triển xã hội. Các tổ chức phi chính phủ quốc tế (INGO) làm vận động chính sách trong lĩnh vực dân chủ (sự tham gia), công bằng và bình đằng, ví dụ trong giảm nghèo, phát triển bền vững.
10. INGO có những nỗ lực hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ Việt Nam (VNGO) trong việc hiểu và thực hành vận động chính sách trong những quy mô khác nhau và trong những lĩnh vực khác nhau. INGO có xu hướng ủng hộ hoạt động vận động chính sách của VNGO, vì tính đạo đức tự nhiên của nó- người Việt vận động về việc của người Việt mới hợp đạo lý. Có một số INGO nổi tiếng có truyền thống vận động chính sách, trong đó có Oxfam, SCF, ActionAid và gần đây có CARE.
11. Các lĩnh vực mà gần đây, NGO tham gia vận động được chọn mà không gây nhiều thách thức (nguyên tắc vừa sức), ví dụ vấn đề giới, vấn đề môi trường, vấn đề xu hướng tính dục. VNGO gần đây tham gia vận động chính sách về chủ đê nhân quyền với sự ủng hộ (bảo trợ?) của UN. VNGO có nhiều nguồn gốc khác nhau, phụ thuộc nhiều vào các tổ chức nước ngoài về tài chính, phụ thuộc vào chính quyền phê duyệt dự án, phụ thuộc chỉ đạo (có thể dạng "ẩn" khi ở dưới ô quản lý của VUSTA hoặc một tổ chức trực thuộc cơ quan nhà nước khác - cũng là cánh tay nối dài của Đảng). Nhiều lãnh đạo NGO từ bộ máy nhà nước/chính quyền ra và họ chọn vị thế "đồng thuận". Một số NGO chọn vị thế "đối thoại" hoặc "hợp tác". Thực lực của VNGO còn yếu, non nớt ở giai đoạn "ấu thơ" (nascent) như một số nghiên cứu đã nhận xét, có thể giải thích tốt cho xu hướng vận động của VNGO. Trong vận động chính sách, quyền lực là thứ không ai cho không, tương tự freedom is not free (tự do không tự có). Vì vậy, nên chăm chút cho NGO trong quá trình trưởng thành. Cũng nên học hỏi từ "các cụ trước 1945" về vận động chính sách thời thực dân trên đường về với cội nguồn.
12. Về một số luận điểm của Nghiêm Hoa:
(a) lobby- có loại ở dạng đối thoại minh bạch, công khai (thường ở phạm vi hẹp), có loại "đi đêm". Hiện tại, VNGO có vẻ không có khả năng đi đêm do thiếu (ít) sự tin cậy và quan hệ với người cầm quyền, và "tài chính" hoặc quyền lợi khác để trao đổi. VNGO không đi đêm, nên làm sao mà từ bỏ được nó?
(b) Vận động hướng về hiệu quả thay vì hoạt động "vận động theo nội dung": xã hội có nhiều vấn đề, có vấn đề đang được giải quyết chưa/không hiệu quả. Cũng có những vấn đề chưa được phát hiện. Các nhóm xã hội, trong đó có cả VNGO tham gia vận động tùy theo quan tâm, hoặc sứ mệnh mà họ muốn đại diện cho nhóm "thiệt thòi", hoặc kinh nghiệm của mình để vận động theo những vấn đề mới, hoặc đang tồn tại. Như vậy, vận động công chúng chỉ là một cái đúng trong nhiều cái đúng khác, trong hoàn cảnh cụ thể của một nhóm vận động nào đó.