
Do bản chất sinh lợi của thảo quả, dân bản hiện đang bỏ hóa nương rẫy để rừng có thể tái sinh, cung cấp điều kiện cần thiết cho việc canh tác thảo quả, mặc dù phải mất tới cả thập kỷ họ mới có thể thu được lợi ích kinh tế từ sự đầu tư này. Những thực hành địa phương tinh tế dựa trên hiểu biết sinh thái-dân tộc học này đang tăng cường độ che phủ rừng và thúc đẩy những diễn biến sinh thái cần thiết cho việc bảo vệ rừng đầu nguồn. Những kỹ thuật quản lý rừng sáng tạo cùng với công nghệ canh tác và xử lý thảo quả kỹ lưỡng của người Dao đã phản bác lại quan niệm coi tập quán nông nghiệp miền ngược là lạc hậu, tầm thường và làm cằn đất.
Thảo quả kết nối “miền xuôi” và “miền ngược”
Theo lời kể của người dân địa phương, thảo quả đã nối kết “miền xuôi” với “miền ngược” qua con đường giao thương ít nhất kể từ thời Pháp đô hộ. Mối quan hệ giao thương này đã tiếp diễn suốt hàng thập kỷ, bất chấp sự biến đổi không ngừng của thị trường. Dân bản kể lại rằng việc canh tác thảo quả rộng khắp bắt đầu từ trước năm 1946 để đáp ứng nhu cầu của những người Pháp sống tại khu nghỉ dưỡng Sapa. Sau khi thời kì thuộc địa chấm dứt, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã khuyến khích người Dao canh tác thảo quả để bán cho những doanh nghiệp dược phẩm của nhà nước ở Lào Cai.
Trong suốt những năm 1960 và 1970, trước khi đường sá được xây dựng, dân bản phải thồ thảo quả khô theo hành trình khứ hồi bốn ngày đi bộ đến Lào Cai để bán. Sau chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979, do những doanh nghiệp dược phẩm cấp tỉnh ngừng thu mua, những nương thảo quả bị bỏ không trong gần ba năm. Trong những năm đầu thập kỷ 80, nhà nước bắt đầu thu mua thảo quả trở lại nhưng với giá tương đối thấp (6-7000đồng/kilo). Năm 1985, những công ty dược phẩm nhà nước ngừng thu mua quy mô lớn, và tới năm 1986-1987 thương mại tư nhân bắt đầu bùng nổ, đẩy giá lên cao. Vào những năm đầu thập niên 90, các tác nhân thị trường mở đang ở hồi cao trào đã thúc đẩy thương mại nội địa và với Trung Quốc. Một số dân bản bán thảo quả khô cho mối lái người Kinh ở Sapa và các bản làng lân cận khác. Sau đó, những mối buôn này bán lại thảo quả cho những doanh nghiệp dược phẩm nhà nước ở tỉnh, cho các cửa hàng ở Sapa, thương lái người Kinh từ miền xuôi lên, hay bán qua biên giới Trung Quốc. Một số khác trực tiếp mang thảo quả đến chợ ở Sapa, cách bản hai giờ đi bộ, để bán cho khách sạn, hàng đồ khô và những trung gian khác để kiếm chút lãi nhỏ nhoi. Thông qua những trung gian này, thảo quả được vận chuyển đến biên giới Hà Khẩu với Trung Quốc hay [xuôi] về Hà Nội. Những bao lớn thảo quả khô, trải qua hành trình đến các chợ miền xuôi bằng xe lửa, xe jeep, xích lô và xe máy trong và quanh Hà Nội, chủ yếu là đến làng Ninh Hiệp và phố Lãn Ông, nơi những hàng phở sẽ thu mua với giá khoảng 40000 đồng/kilo. Đối với người Dao, thảo quả đem lại nguồn thu nhập khá và ổn định. Một niên vụ thảo quả cho hoa lợi khoảng 200-300 kg trái khô trên mỗi hộ gia đình.
Thảo quả, món phở và bản sắc văn hóa Việt
Không chỉ là một sinh kế quan trọng của người Dao, thảo quả cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo căn tính/bản sắc người Việt. Thảo quả, được trồng bởi những người dân tộc thiểu số “miền ngược”, là thành phần thiết yếu của phở, một trong những món ăn quan trọng nhất và là một biểu tượng của văn hóa Việt / Kinh. Phở được coi là món ăn quê nhà, món ăn nhanh, món ăn đường phố, và thậm chí là món ăn dân tộc. Một sách hướng dẫn du lịch mới xuất bản gần đây gọi phở là “Việt Nam gọn trong tô”. Phải mất cả ngày chuẩn bị trước khi phục vụ thực khách, đầu bếp hầm một nồi nước dùng có xương đuôi bò và thịt bò, thêm vào vài loại gia vị đặc biệt để tạo hương vị như gừng, hồi, quế và thảo quả, nhiều loại trong đó được trồng trên “miền ngược”.
Phở là món ăn nhẹ, hay cũng có thể là bữa ăn chính, cho trẻ em, người lao động, viên chức, giáo viên và cho du khách muốn trải nghiệm văn hóa, hương vị Việt Nam. Nó vừa tiền và do vậy, tất cả mọi người, dù giàu hay nghèo, đều có thể ăn phở. Phở, vốn là một món ăn ở miền Bắc, đã trở thành món ăn quốc hồn quốc tuý. Người Việt xa xứ thường mong mỏi [được] một tô phở như một nỗi hoài niệm về quê nhà. Mặc dù thảo quả chỉ là một nguyên liệu rất nhỏ trong phở, nhưng nếu thiếu nó, món phở trứ danh sẽ không còn là phở nữa. Có thể nói, phở và thảo quả đã đóng một vai trò quan trọng trong việc kiến tạo “miền xuôi” cả về tinh thần và vật chất.
Nguyễn Huy Hoàng (lược dịch)