Ngày 4/6/2015, trang tin điện tử của Bộ Nội vụ đã đăng tải Dự thảo Luật về Hội để “lấy ý kiến nhân dân” từ ngày 4/6 đến 4/8/2015. Đây là dự thảo được nhiều cá nhân và tổ chức xã hội mong đợi với hi vọng có những thay đổi theo hướng cởi mở. Để góp phần vào việc thảo luận và góp ý cho dự thảo, Diễn Ngôn xin trích đăng một số bài viết và bình luận về "Hội và tự do hiệp hội - một cách tiếp cận dựa trên quyền" của nhóm tác giả Lã Khánh Tùng, Nghiêm Hoa và Vũ Công Giao. Diễn Ngôn rất mong nhận được sự chia sẻ, thảo luận và đóng góp của các quý vị.


Ảnh: Nhiều thanh niên cùng quan tâm đến bảo vệ môi trường (nguồn: internet)
Ảnh: Nhiều thanh niên cùng quan tâm đến bảo vệ môi trường (nguồn: internet)


Mỗi con người, bên cạnh đặc tính cá thể, còn có đặc tính xã hội (đặc tính cộng đồng). Đặc tính xã hội đến từ nhu cầu tự nhiên của con người, con người cần đến xã hội để học tập, lao động và phát triển. Tự do hiệp hội là đặc tính xã hội của con người, là nhu cầu tự nhiên của con người muốn được quy tụ, được tập trung trong một tổ chức với những mối liên hệ gần gũi, chặt chẽ. Việc các cá nhân liên kết, tập hợp lại với nhau thành nhóm để hướng đến lợi ích, mục đích hay sự quan tâm chung thường được gọi là lập hội.

Trong tiếng Việt, theo cách hiểu thông thường, danh từ "hội" có hai nghĩa gần nhau dùng để chỉ: 1) cuộc vui tổ chức chung cho đông đảo người tham dự, theo phong tục hoặc nhân dịp đặc biệt; 2) tổ chức quần chúng rộng rãi của những người cùng chung một nghề nghiệp hoặc có chung một hoạt động. Chữ “hội” có thể hiểu đơn giản là tụ họp lại, gặp nhau.

Trong tiếng Anh, ý niệm “hội” thể hiện qua hai khái niệm “association” chỉ hình thức tổ chức của các cá nhân có cùng mối quan tâm) hay “society” chỉ một cộng đồng có tổ chức. Cả hai khái niệm này đều có từ gốc La-tinh là socius/socielis hàm ý là sự liên hệ, giao lưu, đồng hành giữa con người với nhau và hình thành nên xã hội (“society”). Như vậy về mặt ngôn ngữ chúng ta thấy có sự tương đồng thú vị về việc hiệp hội như một hành vi xã hội tự nhiên của con người, nói cách khác là một trong các hành vi tự nhiên tạo nên xã hội loài người.

Trong các xã hội cổ xưa đã xuất hiện nhiều hình thức hội đa dạng.Ở Phương Tây, Plato đã mô tả các “câu lạc bộ” là những nơi các thị dân Hy Lạp cổ đại lui tới để thưởng thức nghệ thuật, nghe giảng về thiên văn học và khoa học.

Trong xã hội Việt Nam truyền thống cũng như hiện nay, các hội có hình thức rất đa dạng như phường hội, câu lạc bộ, quỹ từ thiện, hội, nhóm...Từ những thế kỷ trước, các phường hội nghề nghiệp (nghề thủ công, nghệ thuật và thương mại) đã xuất hiện ở khu vực thành thị. Đến thế kỷ 19, đã xuất hiện các hình thức hiệp hội mang đậm tính “xã hội dân sự” như mạng lưới dạy học, truyền giảng và thảo luận các vấn đề đạo đức, vấn đề xã hội của Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn. Từ thế kỷ 20, sinh hoạt của các hội đoàn càng phong phú, có nhiều hội, nhóm như hội cứu tế, công hội, nông hội, hội khuyến học, hội Khai Trí, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Hiện nay, thông tin từ Liên hiệp hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (2010) cho biết, có khoảng 1700 tổ chức phi chính phủ Việt Nam đã đăng ký hoạt động.

Ngày nay, tại các quốc gia đều hiện diện nhiều hình thức hội đoàn, hiệp hội đa dạng. Các hội có thể không có (không cần) tư cách pháp nhân hoặc có tư cách pháp nhân (để thuận tiện cho việc giao dịch, ký hợp đồng). Cũng cần lưu ý rằng quan niệm về “tư cách pháp nhân” có sự khác nhau tại các quốc gia.

Các hội đó có thể là các câu lạc bộ, hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các quỹ, công đoàn, tổ chức tôn giáo, chính đảng hoặc công ty. Do sự đa dạng của các nhóm, pháp luật các quốc gia thường có quy định điều chỉnh riêng một số nhóm, hội bằng các luật riêng như: luật về doanh nghiệp - công ty, luật về công đoàn - nghiệp đoàn, luật về các đảng phái chính trị.

Như vậy, tự do hiệp hội là một đặc tính tự nhiên của con người. Những người theo quan điểm luật tự nhiên cũng coi tự do hiệp hội là một quyền tự nhiên của con người, có trước bất kỳ sự chấp thuận nào của nhà nước. Từ góc độ pháp lý, quyền tự do hiệp hội dần dần, đặc biệt là từ sau năm 1945, được pháp luật các quốc gia và luật nhân quyền quốc tế ghi nhận và bảo vệ.

Bài 2: Các yếu tố cơ bản của tự do hiệp hội