
1. Quyền thành lập và gia nhập hội
Điều 22 ICCPR tái khẳng định và cụ thể hóa quy định về quyền tự do hội họp trong Điều 20 UDHR. Khoản 1 Điều 22 ICCPR xác định: Mọi người có quyền tự do hiệp hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình. Từ nội dung đó, có thể thấy quyền này bao gồm cả ba khía cạnh: (i) thành lập ra các hội mới, (ii) gia nhập các hội đã có sẵn, và (iii) hoạt động, điều hành các hội, bao gồm cả việc tìm kiếm, huy động các nguồn kinh phí.
Quyền thành lập và gia nhập các hội là nội dung chủ yếu của quyền tự do hiệp hội. Quyền này bao hàm cả quyền thành lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của người lao động. Cũng cần lưu ý là quyền thành lập và gia nhập các công đoàn được bảo vệ cả trong ICCPR (Điều 22) và ICESCR (Điều 8).
Trong khi thủ tục thành lập một hội có tư cách pháp nhân được quy định khác nhau trong pháp luật của các quốc gia, điều quan trọng là các cơ quan nhà nước giải quyết thủ tục một cách thiện chí, nhanh chóng và bình đẳng. Thủ tục này càng đơn giản, càng tiết kiệm thời gian và chi phí thì càng tốt. Một số ví dụ tốt đã được nhắc đến là việc thành lập hội không mất chi phí gì (ở Bungary), rất nhanh chóng (ở Nhật, việc nộp đơn có thể qua mạng Internet)... Chuyên gia của Liên Hợp Quốc khuyến nghị rằng một “thủ tục thông báo” (cơ quan công quyền không thể từ chối) thì tốt hơn, phù hợp với luật nhân quyền hơn là một “thủ tục cho phép trước” (đòi hỏi phải có sự chấp thuận của cơ quan nhà nước để thiết lập một pháp nhân).
Trong thủ tục thông báo, các hội tự động được trao tư cách pháp nhân ngay khi nhà chức trách nhận được thông báo bởi các sáng lập viên rằng hội đã được lập ra. Tại hầu hết các quốc gia, việc thông báo này được thực hiện bằng văn bản, bao gồm một số nội dung thông tin mà luật yêu cầu rõ ràng, nhưng đây không phải là điều kiện cho sự tồn tại của một hội. Văn bản này cơ bản là một thông báo để các cơ quan thống kê có thông tin về hội. Hệ thống thông báo này đang được vận dụng ở nhiều quốc gia (Djibouti, Maroc, Bồ Đào Nha, Senegal, Thụy Sỹ, Urugoay...).
Trong lĩnh vực lao động, Công ước quốc tế về quyền tự do hiệp hội và bảo vệ quyền tổ chức 1948 (Công ước 87 của Tổ chức Lao động thế giới - ILO), tại Điều 2, xác định mọi người lao động và người sử dụng lao động đều có quyền thành lập và gia nhập các tổ chức mà họ tự lựa chọn mà không phải xin phép trước.
Cả hai thủ tục thông báo và thủ tục cấp phép đều đòi hỏi sự nhanh chóng. Việc chậm trễ đăng ký, cấp phép cho một hội có thể coi là sự vi phạm quyền tự do hiệp hội. Mặt khác, nếu từ chối đơn xin thành lập hội thì phải nêu rõ lý do và thông báo một cách rõ ràng cho chủ thể đứng đơn thành lập. Những cá nhân, tổ chức bị từ chối có quyền được khiếu nại, khiếu kiện ra trước một tòa án độc lập và không thiên vị. Ủy ban về Tự do Hiệp hội (Freedom of Association Committee) của ILO đã có phán quyết rằng: “Việc không thể đưa ra trước cơ quan tư pháp để xem xét hành động của một cơ quan Bộ từ chối cho phép thành lập một công đoàn là vi phạm các nguyên tắc tự do hiệp hội.”
Đồng thời với việc thành lập, các cá nhân có quyền gia nhập và rút lui (ra khỏi, rời bỏ) các hội. Tương tự, các hội có quyền ngưng hoạt động và tự giải tán. Tuy nhiên, việc các cơ quan nhà nước ngưng hoạt động và giải tán hội lại phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của luật.
2. Quyền hoạt động tự do và được bảo vệ khỏi sự can thiệp vô lý
Quyền hoạt động tự do của các hội tương ứng với nghĩa vụ của nhà nước trong việc tôn trọng, thực thi và bảo vệ quyền này. Luật nhân quyền quốc tế đòi hỏi nhà nước có nghĩa vụ thực thi các biện pháp chủ động và thụ động nhằm bảo đảm các quyền tự do căn bản của người dân, trong đó có quyền tự do hiệp hội.
Ở mức tối thiểu, nhà nước phải kiềm chế không được can thiệp vào các hoạt động bình thường của hội. Trước hết, quy chế, điều lệ của các hội được tự quyết bởi các thành viên mà không có sự can thiệp của nhà nước. Quyền riêng tư của các hội cũng cần được bảo đảm, các cơ quan nhà nước không được thay đổi việc bầu chọn ban lãnh đạo của các hội, cử người của mình vào ban lãnh đạo hội, yêu cầu các hội nộp kế hoạch hoạt động hàng năm.
Các nguồn lực về tài chính có vai trò đặc biệt đối với việc duy trì hoạt động của các hội. Chuyên gia LHQ đã khẳng định “khả năng tiếp cận các nguồn lực tài chính là một thành tố trọng yếu của tự do hiệp hội”. Các khuyến nghị của LHQ đều hướng đến việc hạn chế các thủ tục phức tạp, mất thời gian với việc nhận tài trợ của các hội. Tự do hội họp, triển khai các dự án, hoạt động tại các địa bàn khác nhau cũng là thành tố quan trọng của tự do hiệp hội.
Ở mức độ tích cực, nhiều quốc gia có các biện pháp hỗ trợ việc thành lập các hội như cung cấp địa điểm mở văn phòng, tài trợ tài chính trong giai đoạn đầu hoạt động... Nghĩa vụ chủ động đòi hỏi các nhà nước phải tạo dựng một môi trường thuận lợi, bình đẳng cho hoạt động của các hội đoàn. Các cá nhân thực thi quyền tự do hiệp hội không phải đối mặt với sự sợ hãi trở thành nạn nhân của sự dọa nạt, bôi nhọ, bắt bớ tùy tiện, đối xử vô nhân đạo hoặc hạn chế quyền đi lại...
3. Giới hạn chính đáng đối với quyền tự do hiệp hội
Giống như một số quyền con người khác như quyền tự do ngôn luận, quyền hội họp hòa bình...quyền tự do hiệp hội không phải là một quyền tuyệt đối. Các quốc gia có thể đưa ra những hạn chế trong việc thực hiện quyền này dựa trên những quy định của luật nhân quyền quốc tế, đặc biệt là Công ước về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR, 1966).
Khoản 2 Điều 22 ICCPR xác định: Việc thực hiện quyền này (quyền tự do hiệp hội) không bị hạn chế, trừ những hạn chế do pháp luật quy định và là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, và để bảo vệ sức khoẻ hoặc đạo đức của công chúng hay các quyền và tự do của người khác. Điều này không ngăn cản việc đặt ra những hạn chế hợp pháp trong việc thực hiện quyền này đối với những người làm việc trong các lực lượng vũ trang và cảnh sát.
Quyền tự do hiệp hội thuộc về mọi cá nhân, tức là mọi chủ thể, gồm cả trẻ em, người nước ngoài, người lao động di trú.... Tuy nhiên, theo quy định trên, ICCPR cho phép giới hạn quyền này đối với những người làm việc trong các lực lượng vũ trang và cảnh sát. Sự hạn chế này, được coi là phỏng theo Khoản 2 Điều 11 của Công ước nhân quyền châu Âu 1950, bắt nguồn từ nhận thức rằng nhiệm vụ hàng đầu của các lực lượng vũ trang là duy trì trật tự xã hội, cần có sự trung lập, tránh bị lôi cuốn vào các xung đột mang tính phe nhóm. Cũng vì lý do này mà một số quốc gia hạn chế cả quyền bầu cử, ứng cử của các thành viên lực lượng vũ trang.
Theo khoản 2 Điều 22nêu trên, việc giới hạn quyền tự do hiệp hội, tương tự như giới hạn quyền tự do hội họp tại Điều 21, chỉ có thể nhằm các mục đích: 1) Lợi ích an ninh quốc gia hoặc an toàn, trật tự công cộng; 2) Bảo vệ sức khỏe và đạo đức xã hội; và 3)Bảo vệ các quyền và tự do của người khác. Thực tế phổ biến là có những quốc gia thường lạm dụng việc viện dẫn những lý do này để hạn chế quyền tự do hiệp hội, cũng như nhiều quyền tự do khác của người dân. Để hạn chế sự lạm dụng tùy tiện như vậy, LHQ và các tổ chức bảo vệ nhân quyền đã thông qua một số văn kiện để xác định nội hàm của các khái niệm nêu trên, trong đó bao gồm Các nguyên tắc Siracusa về Giới hạn và đình chỉ các điều khoản trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1984, Các nguyên tắc Johannesburg về An ninh quốc gia, tự do biểu đạt và tiếp cận thông tin năm 1995... Theo Đoạn 29 của Các nguyên tắc Siracusa, chỉ có thể viện dẫn lý do “an ninh quốc gia“ để giới hạn một số quyền khi điều đó là cần thiết để “bảo vệ sự tồn tại của quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc sự độc lập chính trị của quốc gia trước việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực từ bên ngoài“. Hay theo Nguyên tắc 2 của Các nguyên tắc Johannesburg thì “hạn chế được biện minh với lý do an ninh quốc gia là không chính đáng nếu mục đích thực chất hoặc hiệu quả có thể thấy được là để bảo vệ lợi ích không liên quan đến an ninh quốc gia, bao gồm, ví dụ, để bảo vệ một chính phủ khỏi xấu hổ hay khỏi phô bày những hành động sai lầm”.
4. Bình đẳng về quyền tự do hiệp hội
Như đã nêu trên, nhà nước có cả ba loại nghĩa vụ (tôn trọng, bảo vệ và thực thi) đối với quyền tự do hiệp hội. Cạnh đó, nhà nước còn có nghĩa vụ bảo đảm sự bình đẳng, một nguyên tắc căn bản của mọi quyền con người, liên quan đến quyền tự do hiệp hội (trong đăng ký, hoạt động...). Quyền hiệp hội của các nhóm yếu thế trong xã hội (người khuyết tật, người sắc tộc thiểu số...) cần được quan tâm đối xử bình đẳng.
Báo cáo viên về tự do hiệp hội của LHQ cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự bảo vệ bình đẳng đối với các hội không đăng ký, đặc biệt là tại những nơi việc lập hội khó khăn. Các hội không đăng ký (không có tư cách pháp nhân) cần phải được đối xử bình đẳng với các hội có đăng ký với cơ quan nhà nước, được “tự do tiến hành mọi hoạt động“, bao gồm việc tổ chức và tham gia vào các cuộc hội họp hòa bình.
Ngoài ra, nhà nước cần bảo đảm có cơ chế pháp lý để bảo vệ quyền tự do hiệp hội, xử lý các vi phạm quyền bình đẳng và các vi phạm khác đối với tự do hiệp hội.
Bài 3: quan hệ giữa tự do hiệp hội với một số quyền tự do khác