
Với quyền tự do hội họp
Hội họp là việc nhiều người tập trung lại để cùng trao đổi, chia sẻ mối quan tâm, cùng biểu đạt quan điểm, niềm tin…Hội họp có thể diễn ra tại nơi công cộng hoặc tại nhà riêng, với nhiều hình thức khác nhau (tọa đàm, hội thảo, trình diễn nghệ thuật, biểu tình, tuần hành, thực hành nghi lễ tôn giáo…). Quyền tự do hội họp được bảo vệ bởi Điều 20 UDHR, được tái khẳng định và cụ thể hóa tại Điều 21 ICCPR, theo đó: Quyền hội họp hoà bình được công nhận. Việc thực hiện quyền này chỉ bị những hạn chế do pháp luật quy định và là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia hoặc an toàn, trật tự công cộng, để bảo vệ sức khỏe và đạo đức xã hội hoặc các quyền và tự do của người khác.
Hội họp là tiền đề để các nhóm có thể thảo luận, trao đổi về việc lên kế hoạch, hình thành, triển khai các hoạt động, chương trình của các hội đoàn. Hội họp cũng là phương tiện quan trọng để các hội đoàn có thể triển khai các hoạt động của mình tại các địa bàn khác nhau.
Với quyền tự do biểu đạt (ngôn luận) và tự do thông tin
Tự do biểu đạt là quyền tự do thể hiện, trình bày, trao đổi các quan điểm, nhận định, thái độ bằng mọi phương thức khác nhau. Quyền tự do biểu đạt và tự do thông tin được bảo vệ tại Điều 19 UDHR, được tái khẳng định và cụ thể hóa trong Điều 19 ICCPR. Theo đó, mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp. Mọi người có quyền tự do biểu đạt; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ (khoản 1 và 2, Điều 19 ICCPR). Khoản 3 Điều này xác định quyền tự do biểu đạt không phải là một quyền tuyệt đối mà có thể phải chịu một số hạn chế nhất địnhđược quy định trong pháp luật và là cần thiết để tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác và để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sự bình yên hoặc đạo đức xã hội.
Không có tự do biểu đạt (bao gồm tự do ngôn luận, báo chí, thông tin), các cá nhân, nhóm không thể trình bày các vấn đề của mình, của xã hội, cũng như không thể thảo luận, tìm kiếm các giải pháp cho những vấn đề đó. Tự do hiệp hội, hội họp giúp cho việc thực thi quyền tự do ngôn luận được hiệu quả hơn, phạm vi tác động sâu rộng hơn, đặc biệt là đối với các chính sách của nhà nước. Nếu không có sự tập hợp để cùng nhau lên tiếng thì quyền biểu đạt bị giảm hiệu quả đáng kể, tiếng nói của một cá nhân rất khó được tiếp thu.
Thông tin được ví như ô-xy cho mọi nền dân chủ, tạo tiền đề cho sự tham gia của công chúng vào các công việc xã hội, giúp tăng cường khả năng thực thi các quyền khác về chính trị và kinh tế, cải thiện cách thức làm việc của các cơ quan chính phủ, giúp hòa giải xung đột, hàn gắn vết thương trong quá khứ. Thông tin tạo ra sự công khai - minh bạch, sự tin cậy lẫn nhau giữa các chủ thể trong xã hội. Sự tin tưởng, hiểu biết chính là tiền đề thúc đẩy sự liên kết giữa các cá nhân, hình thành nên các tổ chức xã hội. Theo hướng ngược lại, các hội đoàn giúp tập hợp, phân tích thông tin và chia sẻ, phổ biến thông tin được hiệu quả hơn, có thể liên kết vận động cải thiện chính sách của nhà nước về thông tin, giám sát các cơ quan công quyền thực thi pháp luật về tiếp cận thông tin.
Với quyền tham gia quản lý đất nước, dân chủ trực tiếp (trưng cầu ý dân)
Quyền tham gia quản lý đất nước, bao gồm quyền bầu cử, ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của công dân, có vai trò nền tảng hình thành các chế độ dân chủ. Một chế độ dân chủ được thể hiện ở sự tôn trọng quyền tham gia của đa số thành viên vào việc ra quyết định hay lựa chọn chính sách, đồng thời bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể, quan tâm đến ý kiến của thiểu số. Quyền tham gia chính trị của công dân được ghi nhận trong Điều 21 UDHR, được tái khẳng định và cụ thể hóa bởi Điều 25 ICCPR, theo đó: Mọi công dân, không có bất kỳ sự phân biệt nào và không có bất kỳ sự hạn chế bất hợp lý nào, đều có quyền và cơ hội để: a) Tham gia điều hành các công việc xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua những đại diện do họ tự do lựa chọn; b) Bầu cử và ứng cử trong các cuộc bầu cử định kỳ chân thực, bằng phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín, nhằm đảm bảo cho cử tri được tự do bày tỏ ý nguyện của mình; c) Được tiếp cận với các chức vụ công ở đất nước mình trên cơ sở bình đẳng.
Dân chủ gồm hai hình thức chủ yếu là dân chủ đại diện (thực hiện quyền chính trị thông qua các cơ quan đại diện - do dân bầu ra- như Quốc hội và Hội đồng nhân dân) và dân chủ trực tiếp (bằng việc tham gia trưng cầu ý dân, sáng kiến xây dựng luật, chương trình nghị sự hoặc bãi miễn). Bình luận chung số 25 của Ủy ban Nhân quyền LHQ đã khẳng định quyền tự do biểu đạt, hội họp và hiệp hội là những điều kiện quan trọng cho việc thực hiện hiệu quả quyền bầu cử và phải được bảo vệ đầy đủ (đoạn 12). Báo cáo năm 2013 của Báo cáo viên độc lập về tự do hiệp hội và hội họp (A/68/299) cũng đã tập trung nhấn mạnh tầm quan trọng của hội họp và hiệp hội đối với các cuộc bầu cử công bằng và tự do. Cạnh đó, để cho các cuộc trưng cầu ý dân được thực chất, các quyền tự do ngôn luận, thông tin, hội họp, hiệp hội cần được bảo đảm để người dân có thể có đầy đủ thông tin, cũng như có khả năng vận động người khác ủng hộ quan điểm của mình...
Bài 4: Các nội dung cơ bản của Luật về hội