
TK: Từ đâu iSEE có ý tưởng thúc đẩy “Sống tử tế” ?
LQB: Nhiều người Việt Nam lo lắng và bực mình vì họ cảm thấy không được đối xử tử tế. Ra đường, sợ lái xe taxi đi gian đường tính sai cước, mua thức ăn sợ phải đồ ngâm hóa chất hay phun thuốc trừ sâu, vào bệnh viện sợ bị kê đơn thuốc đắt tiền không cần thiết, đến cơ quan công quyền thì sợ bị sách nhiễu vòi vĩnh. Tại sao người bán hàng sẵn sàng bán đồ độc hại cho khách hàng những người mang lại thu nhập và cuộc sống cho gia đình họ? Tại sao người công chức sẵn sàng hạch sách người dân dù tiền lương họ hưởng, bổng lộc họ có đều do người dân đóng góp từ thuế? Đây thực sự là những vấn đề nghiêm trọng vì nó thể hiện những giá trị đúng sai đang bị đảo lộn.
Chúng tôi có may mắn được gặp Đạo diễn Trần Văn Thủy và xem bộ phim “Chuyện tử tế” của ông. Cho dù bộ phim đã được sản xuất từ những năm 80s nhưng vẫn còn nguyên giá trị về cách con người đối xử với nhau. Những câu chuyện và lời bình về cách đối xử của chính quyền với nhân dân, của bà xơ với bệnh nhân phong, và của người mẹ có bệnh phong với đứa con nhỏ thực sự làm chúng tôi cảm động. Đây chính là lúc iSEE nảy ra ý tưởng vận động cho lối sống tử tế trong xã hội vì chúng tôi tin rằng khi người với người đối xử tử tế với nhau thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Khi đó, những nhóm yếu thế như người dân tộc thiểu số và người đồng tính, song tính và chuyển giới, hai đối tượng mà iSEE làm việc cùng cũng sẽ được đối xử nhân văn và bình đẳng hơn. Đó là lý do chúng tôi bắt đầu suy nghĩ và phát triển các ý tưởng từ đó.
TK: Tại sao lòng tốt, sự tử tế đang mất dần trong xã hội, thay vào đó là lối sống ích kỷ, tham lam, chỉ nghĩ tới lợi ích của bản thân mình ?
LQB: Thực ra đây là một câu hỏi rất khó, chắc không có ai trả lời được thấu đáo. Tuy nhiên, tôi nghĩ một xã hội tử tế cần phải được xây dựng trên những giá trị tử tế.
Hiện tại, iSEE làm việc vì một xã hội bình đẳng và nhân văn nơi mọi người được đối xử công bằng, không bị phân biệt đối xử. Những giá trị này rất thiết yếu vì khi bạn coi trọng nhân phẩm và sự bình đẳng của người khác, bạn sẽ không lạm dụng quyền hoặc lợi thế để tư lợi cho mình và gây hại cho người khác. Những giá trị này có thể được học qua tôn giáo, qua nhà trường, qua gia đình, qua truyền thông. Nhưng quan trọng, nó phải được thể chế hóa trong luật pháp và thực hành qua hệ thống công quyền.
Chắc rất khó để nói xã hội bây giờ tử tế hơn hay xã hội ngày trước tử tế hơn vì nó tùy thuộc rất nhiều vào góc nhìn của từng người. Tuy nhiên, có một điều chung đó là cái tốt và cái xấu luôn luôn tồn tại song hành. Xã hội nào biết lên án và trừng trị cái xấu, tôn vinh và kính trọng người tốt thì chắc chắn xã hội đó sẽ tử tế hơn. Đây là nguyên tắc rất quan trọng vì nhiều khi việc nương tay với một quan chức tham ô, hay ưu tiên cho một người có thế lực sẽ làm quảng đại quần chúng mất niềm tin vào công lý. Đây chính là cội nguồn của cái xấu vì khi sự bất công không bị trừng phạt thì sự tử tế không còn đất sống.
TK: iSEE sẽ thực hiện những công việc, chiến dịch tuyên truyền như thế nào để nhân rộng, lan tỏa thông điệp về “Sống tử tế” ?
iSEE và các tổ chức phi chính phủ khác đã phát động hoạt động đầu tiên đó là giải báo chí “đồng hành cùng phát triển” với chủ đề “sống tử tế”. Chúng tôi muốn tôn vinh những nhà báo viết về những con người tử tế, hành động tử tế, giá trị tử tế đề truyền cảm hứng và lan tỏa cái tốt trong xã hội. Báo chí đóng vai trò quan trọng vì nó phản ánh xã hội. Nếu báo chí chỉ viết về những điều tồi tệ, người dân sẽ có cảm giác xung quanh mình toàn điều không tử tế và họ rất dễ hành động không tử tế. Ngược lại, nếu báo chí viết nhiều về những điều tử tế, khi đó người dân sẽ thấy xã hội tử tế và họ dễ hành động tử tế hơn. Nó giống như khi bạn ở trong một nơi rất sạch sẽ, bạn sẽ không vứt rác bừa bãi. Ngược lại, nếu bạn ở một nơi bẩn thỉu thì bạn sẽ chẳng áy náy gì khi xả rác vì đằng nào nó cũng bẩn rồi.
Ngoài giải báo chí “đồng hành cùng phát triển”, chúng tôi cũng đang làm việc với các bạn thanh niên có đam mê với truyền thông xã hội. Chúng tôi thảo luận với các bạn về các giá trị tự do, bình đẳng, không phân biệt đối xử để các bạn có cảm hứng sáng tác. Chúng tôi rất mở để các bạn tự do chọn đề tài, tự do chọn cách thể hiện vì đó là điều kiện để các bạn có thể truyền tải hay nhất giá trị tử tế mà các bạn ấy ủng hộ. Ngoài ra, chúng tôi cũng hợp tác với Nhà hát tuổi trẻ xây dựng một vở kịch nói về chủ đề sống tử tế. Và cuối cùng là một chiến dịch “chiếc vòng tử tế” đang được thành hình cùng nhóm A4F. Chiến dịch này sẽ truyền cảm hứng cho người dân đủ mọi thành phần thực hiện những hành động tử tế. Có thể là một cô bán phở xử dụng găng tay khi bốc bánh phở, một nhà tuyển dụng không kỳ thị với người có HIV, một tòa nhà làm lối lên cho xe lăn của người khuyết tật, hoặc một chính khách lo cho cuộc sống người nông dân sau khi mất đất vì lợi ích công. Chúng tôi tin rằng, khi từng cá nhân thực thi hành động tử tế, khi đó mỗi chúng ta sẽ được đối xử tử tế.
TK: Cá nhân anh quan niệm thế nào về sống tử tế và anh có muốn cổ vũ cho điều đó?
LQB: Khi làm việc với các nhóm khác nhau, tôi thấy một điều thú vị là mỗi người có một định nghĩa hay suy nghĩ khác nhau về sống tử tế. Điều này có lẽ phụ thuộc vào niềm tin tôn giáo, văn hóa hoặc vị thế của họ trong xã hội. Ví dụ, có người cho rằng sống tử tế là phải biết hy sinh vì người khác, nhưng có người lại cho rằng sống tử tế trước tiên phải biết quý trọng bản thân và chăm sóc cho mình. Cụ thể hơn, có người cho rằng tử tế là phải định hướng cho con trong cuộc sống và học tập, nhưng có người lại cho rằng như thế là áp đặt, không để con phát triển tự do và không hẳn là tử tế. Tôi thì hay coi trọng sự công bằng, tự do, không phân biệt đối xử vì sự khác biệt của người khác.
Khi khởi động ý tưởng này iSEE không đi tìm hay cổ vũ cho quan niệm chuẩn về sống tử tế. Chúng tôi làm điều này để mong sao mỗi người suy nghĩ về nó, ý thức về nó để mình không vô tình hay cố ý gây hại cho người khác. Chúng tôi chỉ mong một người giáo viên tự hỏi mình có tử tế không nếu cho một học sinh điểm kém vì em ấy không đi học thêm, hoặc một người công an sẽ tự hỏi thế nào là tử tế khi một người ngoại tỉnh đi lạc vào đường cấm: phạt họ hay hướng dẫn để họ không gặp nguy hiểm khi tham gia giao thông ở thành phố lạ. Khi mọi người tự vấn về sự tử tế của mình đó đã là thành công quan trọng rồi.
TK: “Sống tử tế” trong công việc của iSEE như thế nào?
Nói thật, một trong những công việc quan trọng của iSEE là chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người dân tộc thiểu số, người đồng tính song tính và chuyển giới. Chúng tôi thảo luận rất nhiều về vấn đề này và luôn cố gắng tuân thủ các nguyên tắc bình đẳng, không phán xét, và tôn trọng tiếng nói và cách nhìn của người trong cuộc. Tuy nhiên, chúng tôi ý thức được rằng đôi khi mình vẫn có định kiến với sự khác biệt và dường như nó là một phần của bản chất con người. Quan trọng là mình luôn phải cảnh giác và ý thức về điều đó để quản lý nó.
Sống tử tế cũng vậy, chắc không ai dám nói mình là người tử tế một trăm phần trăm vì cuộc sống nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều hoàn cảnh khác nhau mà đôi khi mình phạm sai lầm, đối xử không đúng với một ai khác. Quan trọng là mình ý thức được điều đó, để làm sao giảm dần sự không tử tế, tự hoàn thiện mình. Khi nhiều người có ý thức về sự tử tế thì chắc chắn xã hội sẽ tốt lên và mỗi chúng ta sẽ được đối xử tử tế hơn.
Giải báo chí đồng hành cùng phát triển
Giải báo chí “Đồng hành cùng phát triển” là sáng kiến của các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam, được tổ chức từ năm 2013. Năm 2014 có chủ đề “Sống tử tế” với sứ mệnh khơi lại niềm tin vào sự tốt đẹp của cuộc sống, của tình người và cổ vũ những điều tử tế thông qua báo chí. Đây là một cuộc đồng hành của vì một xã hội Việt Nam giàu tính nhân văn, trong đó con người ứng xử với nhau nhân ái và bình đẳng hơn.
Giải sẽ xét các bài viết trên báo in và báo điện tử, đăng tải bằng tiếng Việt trên một tờ báo đại chúng của Việt Nam trong giai đoạn từ 15 tháng 9 năm 2013 đến 15 tháng 9 năm 2014. Giải khuyến khích các tác phẩm báo chí có những luận giải sâu sắc về các giá trị tử tế, có khả năng truyền cảm hứng, tạo thành trào lưu báo chí và sự hưởng ứng bằng hành động trong xã hội. Để biết thêm thông tin có thể vào website www.donghanhcungphattrien.vn