
Theo trải nghiệm cá nhân của trưởng thôn, do có cấu tạo to bản nên cuốc của người Kinh đem từ miền Bắc vào có khả năng làm sạch cỏ trên mặt rẫy nhanh hơn cuốc của người địa phương. Tuy nhiên, cấu tạo bề mặt như vậy của cái cuốc này có hạn chế là không thể cuốc sâu so với cuốc của người bản địa. Trong bối cảnh tự nhiên của vùng có nhiều cây le với mắt rễ nằm sâu dưới lòng đất, việc sử dụng cuốc có mặt to chỉ làm quang được mặt rẫy. Ngược lại, cuốc của người Xơ-đăng tuy nhỏ song “họ cuốc tới đâu thì rễ cây le được làm sạch tới đó”. Do vậy, đối với nương của người Kinh, do không moi được rễ le nằm sâu trong đất nên chỉ sau khi gieo trồng được khoảng 2-3 tháng là cỏ dại và mầm le đã mọc um tùm, ngược hoàn toàn với các mảnh rẫy của người bản địa. Quan sát thấy sự khác biệt này nên người Kinh đã tìm hiểu và chuyển sang sử dụng loại cuốc của người Xơ-đăng.
Với kinh nghiệm tích luỹ thông qua quá trình tương tác lâu dài với điều kiện tự nhiên nơi họ sinh sống, các dân tộc thiểu số đã sáng chế ra nhiều dụng cụ sản xuất khác nhau, mỗi loại phù hợp với điều kiện tự nhiên cụ thể, để khai thác hiệu quả và bền vững môi trường xung quanh họ. Vì vậy, nhiều loại dụng cụ lao động trông có vẻ ‘thô sơ’, song lại là nhưng phương tiện sản xuất tối ưu trong những tiểu môi trường nhất định