
Đi tìm một khái niệm mới về hội, trong thời gian qua, các học giả, các chuyên gia pháp luật và cán bộ làm công tác hội đã tranh luận sôi nổi ở nhiều diễn đàn, đưa ra nhiều quan điểm trái chiều với những cách thức tiếp cận đa diện. Cho đến nay, ở Việt Nam, xét ở khía cạnh học thuật và pháp lý, chưa có khái niệm hội theo một cách nhìn toàn diện, thống nhất.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý đều đồng tình rằng, hội là một trong những thành tố của Xã hội dân sự. Chính vì vậy, việc nghiên cứu khái niệm về hội cũng như các vấn đề liên quan đến hội cần phải đặt trong tổng thể của một tập hợp các chủ thể xã hội dưới khái niệm chung là Xã hội dân sự; đồng thời cần xem xét quan hệ của “hội” với tư cách là một thành tố trong Xã hội dân sự với các thành tố khác. Quan sát việc tranh luận về khái niệm, định nghĩa về hội trong thời gian qua, có thể thấy rằng, việc đưa ra khái niệm về hội là công việc hết sức khó khăn, do những đặc thù như sau:
Thứ nhất, về mặt ngôn ngữ: hội là từ được quen dùng ở Việt Nam để chỉ các tổ chức quần chúng, khi mà trong các văn bản của Đảng và các sách báo xuất bản trước đây chúng ta vẫn thường thấy xuất hiện cụm từ “hội quần chúng”. Mức độ sử dụng ngôn ngữ “quen” đến mức, khó có thể sử dụng cụm từ nào mang ý nghĩa phổ biến của quốc tế để thay thế cho hội ở Việt Nam. Dịch ra tiếng Anh, hội sẽ tương đương với “Association”, nhưng khi tìm hiểu khái niệm này, người ta thấy rằng, nội hàm của hội theo cách hiểu ở Việt Nam không đồng nhất với nội hàm của khái niệm “Association”. Trong khi đó, các nước trên thế giới khi nói đến khu vực xã hội dân sự, người ta thường nhắc tới Tổ chức phi chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, dù rằng, ở mỗi quốc gia có cách định nghĩa và diễn giải khác nhau.
Thứ hai, về cách tiếp cận khái niệm: hội được thế giới xem xét, nhìn nhận là một trong những thành tố của Xã hội dân sự trong mối quan hệ với nhà nước, thị trường. Trong khi đó, ở nước ta, hội được coi là một trong những thành tố của hệ thống chính trị, bao gồm: Đảng, nhà nước, Mặt trận, các đoàn thể nhân dân và các hội quần chúng.
Thứ ba, về yếu tố chủ quan của nhà làm luật: về ý nghĩa ngôn ngữ học, khái niệm hội đã đạt được sự thống nhất khi thể hiện trong các từ điển tiếng Việt. Nhưng khái niệm về hội mà trong thời gian qua được đưa ra xem xét, thảo luận, thực chất, là khái niệm ở khía cạnh pháp lý. Do đó, khi nhà làm luật muốn áp đặt ý chí của mình đến mức độ nào thì sẽ xuất hiện một khái niệm về hội phản ánh ý chí chủ quan ở mức độ đó. Ví dụ, khi muốn công dân, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam thuộc đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật về hội thì trong khái niệm hội sẽ xuất hiện đối tượng này; hoặc nếu nhà làm luật không muốn điều chỉnh các hội không có tư cách pháp nhân thì đối tượng này trong khái niệm hội sẽ bị loại trừ.
Qua việc nghiên cứu một số khái niệm do các tác giả Việt Nam đưa ra, có thể thấy, hội có những đặc điểm sau:
- Là tổ chức tự nguyện của quần chúng;
- Tập hợp của những người có cùng ngành nghề, cùng giới, cùng sở thích...;
- Hoạt động thường xuyên, liên tục;
- Không vì mục đích lợi nhuận;
- Mục đích hoạt động không trái với lợi ích dân tộc, tổ quốc và trong khuôn khổ pháp luật.
Với nhận thức như trên, hội theo cách hiểu của các tác giả Việt Nam không bao gồm các nhóm và tập thể tự nguyện khác do nhân dân tự nguyện bột phát, tức thời lập ra (các nhóm đó không có điều lệ, không có đóng góp vật chất, sức lực, trí tuệ, không có hệ thống tổ chức thống nhất, cố kết không chặt chẽ và không thường xuyên hành động). Trong khi đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 5 tổ chức quần chúng trực thuộc (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cũng là các hội quần chúng tự nguyện, nhưng được tổ chức theo các nguyên tắc chặt chẽ hơn, quan hệ chặt chẽ và trực tiếp hơn với đảng cầm quyền, chịu sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của đảng cầm quyền, làm nòng cốt trong mọi hoạt động và tổ chức của các hội quần chúng. Hội, theo quan niệm của Việt Nam, không bao gồm Đảng chính trị và các tổ chức tôn giáo.
Hiện nay, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội chỉ điều chỉnh đối với những hội có tư cách pháp nhân, có hội viên. Các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; các tổ chức giáo hội không thuộc sự điều chỉnh của quy định về hội. Tuy nhiên, các tác giả Việt Nam vẫn còn chưa thực sự đồng thuận với quan niệm này của các nhà làm luật. Một số ý kiến cho rằng hội nên được hiểu bao gồm các quỹ, trung tâm, viện nghiên cứu... (trừ các quỹ, trung tâm do hội lập ra), các tổ chức phi chính phủ hay không? Trong khi có tác giả cho rằng hội bao gồm cả hội có hội viên và hội không có hội viên (các quỹ, trung tâm, viện nghiên cứu...) thì hầu hết các tác giả khác lại đề xuất khái niệm, đặc trưng của hội có thêm yếu tố là có hội viên.
Theo quan điểm của chúng tôi, khi xây dựng Luật về Hội thời gian tới cần phải có cách hiểu đầy đủ về hội. Nếu loại trừ các tổ chức phi chính phủ, quỹ, viện, trung tâm độc lập thì có lẽ đã loại trừ đi một số thành tố quan trọng của bất cứ một Xã hội dân sự nào. Bên cạnh đó, nếu vẫn xem Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là các thành tố của hệ thống chính trị thì vẫn nên tạo điều kiện cho phép thành lập các hội, tổ chức có tính chất tương tự nếu có đủ điều kiện như Luật định. Từ đó, có thể đưa ra khái niệm về hội như sau: "Hội là tổ chức liên kết tự nguyện của nhân dân với sự tham gia chính thức của ít nhất ba cá nhân hoặc tổ chức, hoạt động thường xuyên, không vì mục đích lợi nhuận, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội, hội viên hoặc vì lợi ích công cộng. Hội bao gồm hội có tư cách pháp nhân và hội không có tư cách pháp nhân”./.