
Câu hỏi dành cho NGO Việt Nam
Trước hết, tôi muốn nói với Ban biên tập của Diễn Ngôn và các bạn đọc hai bài viết trước của tôi. Bài viết đầu tiên của tôi được tôi đặt tên là “Vận động hướng nào: câu hỏi cho các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam”, còn “Vận động chính sách hay đi đêm chính sách” là tít của Diễn Ngôn đặt. Như vậy câu hỏi tôi muốn đặt ra cho cuộc thảo luận này, không phải là lựa chọn giữa “vận động chính sách” hay “đi đêm chính sách” như một số bạn có thể hiểu. Câu hỏi của tôi thực sự là những hướng có thể đi trong quá trình vận động của NGO là gì thay vì chỉ chăm chăm vào chính sách? Tương tự, ở bài viết thứ hai, tiêu đề tôi đặt là “Quyền lực của Niềm tin: Vận động cho sự đồng thuận tự nguyện” và Diễn Ngôn đặt tít lại là "vận động công chúng, NGO làm việc đúng". Diễn Ngôn có quyền biên tập, và tôi có quyền bảo lưu “tuyên ngôn” của mình, hy vọng Diễn Ngôn sẽ có một chính sách công khai về việc biên tập để hóa giải những cú sốc không đáng có, cho dù Diễn Ngôn có nói Ban biên tập giữ quyền đặt tít theo chuẩn phổ biến, ví dụ như của The New York Times.
Câu trả lời với anh Đặng Hoàng Giang
Về bài viết của anh Đặng Hoàng Giang, tôi tán thành và tâm đắc ở ba điểm. Thứ nhất, về quan niệm phạm vi của “vận động”; thứ hai, về mối quan hệ giữa các bên trong tiến trình vận động; và thứ ba, về quan hệ giữa mô hình lý thuyết và vận dụng nó trong thực tế. Nhưng trong cách anh Đặng Hoàng Giang nhìn nhận lập luận của tôi và trình bày lập luận của anh, có một số điểm tôi có suy nghĩ khác và sẽ trao đổi lại ngay bên dưới ba điểm lớn này.
Ở điểm đầu tiên, anh Đặng Hoàng Giang nhắc đến quan niệm về vận động (“vận động (advocacy) được hiểu là tập hợp các hoạt động khác nhau nhằm phổ biến thông tin tới các bên liên quan (stake holders) để gây dựng hỗ trợ cho một mục đích nào đó… trong đó có hoạt động đối thoại với chính quyền”). Quan niệm này rất tương đồng với quan niệm tôi trình bày trong bài viết thứ nhất của mình, ở đó tôi nói rằng cần hiểu “vận động” vượt ra ngoài phạm vi “vận động chính sách”, hoặc đúng hơn cần đặt chính sách trong mối quan hệ rộng lớn với công chúng chứ không chỉ tập trung vào mối quan hệ với nhà hoạch định chính sách. Tôi đồng ý với anh rằng không có “một công chúng”, và người vận động cần lần lượt thuyết phục được từng nhóm trong “công chúng” cho đến khi họ được cán cân quyền lực. Cũng với quan niệm này, tôi trình bày rằng nếu coi vận động là vận động chính sách, và chỉ số thành công là thay đổi chính sách thì đã thu hẹp phạm vi hoạt động và chưa có hiệu quả. Về ví dụ, anh Đặng Hoàng Giang nhắc đến trường hợp vận động thành công cho quy định đội mũ bảo hiểm, và vấn đề năng lượng, với quan niệm rằng người vận động chỉ cần tập trung vào người ra quyết sách, hoặc cuộc thảo luận chính sách nên gói gọn trong phạm vi các chuyên gia kỹ thuật hiểu biết vấn đề. Tôi thấy đây là hai ví dụ rất điển hình và sẽ phân tích chính hai ví dụ này để minh họa cho lập luận của mình, rằng nếu chỉ vận động chính sách tập trung vào người hoạch định chính sách và nội dung chính sách thì chưa đủ, cần phải có vận động công chúng/xã hội.
Chúng ta đã có quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm từ lâu, nhưng thực tế bao nhiêu người trong chúng ta đang thực sự đội một chiếc mũ bảo hiểm đúng nghĩa, và vui vẻ tự nguyện với việc đội nó, và đã có bao nhiêu trường hợp thường dân bị người thừa hành công vụ truy đuổi đến mất mạng chỉ vì không đội mũ bảo hiểm? Tại sao lại thế? Đồng ý rằng việc thực hiện một chính sách cần có lộ trình, nhưng lộ trình đó nên bắt đầu từ việc các bên liên quan được chuẩn bị tốt để xuất phát, thay vì chỉ có nhà hoạch định chính sách được lobby để đi đầu mà không có sự chuẩn bị với người thực hiện (cả người thi hành lẫn người tuân thủ) sẽ dẫn đến tình trạng chính sách “đẻ non” vì không có công chúng là bà đỡ. Chính sách đẻ non mà không được công chúng “phục”, trong một xã hội phải nói là luật pháp chưa nghiêm minh như ở Việt Nam, thì từ bất phục sẽ dẫn đến bất tuân trong thực tế, hoặc nảy sinh những biện pháp cưỡng chế gây thiệt hại như ở trường hợp cảnh sát giao thông truy đuổi người không đội mũ bảo hiểm khiến người ta thiệt mạng. Cái giá phải trả là quá đắt cho cả hai phía.
Ở ví dụ sau, về vận động cho năng lượng bền vững (tạm gọi là các vấn đề kỹ thuật phức tạp, năng lượng nguyên tử cũng là một vấn đề như vậy). Nhiều người cho rằng đây là vấn đề kỹ thuật khó hiểu nên việc trao đổi cân nhắc chỉ nên diễn ra trong phạm vi những người chuyên nghiệp và các chuyên gia. Tôi trộm nghĩ rằng quan niệm như vậy là hơi coi thường trình độ, cũng như quyền lợi của người dân bình thường. Xét cho cùng, một phụ nữ làm nội trợ như tôi có thể không hiểu các chi tiết kỹ thuật hay cấu tạo, vận hành của các dạng năng lượng bền vững hay năng lượng nguyên tử, nhưng rõ ràng cuộc sống của tôi có thể bị ảnh hưởng từ một quyết sách có hay không của nhà hoạch định chính sách. Tôi, một phụ nữ làm nội trợ, có quyền được giải thích ở mức độ dễ hiểu nhất những ảnh hưởng của một quyết sách của một vấn đề “kỹ thuật cao” như năng lượng (cả tích cực và tiêu cực) đối với tôi và gia đình tôi có thể là gì, và có quyền nói ủng hộ hay không ủng hộ một quyết sách như vậy. Tôi nghĩ rằng, với các NGO và những người quan tâm đến sự phát triển lành mạnh của một xã hội, điều họ cần lo không phải là những nhà hoạch định chính sách thiết tha với vấn đề họ cần vận động đến mức nào, mà thực sự là những người dân bình thường có quan tâm đến vấn đề đó đến mức nào.
Như vậy, ở những cuộc thảo luận mà chính sách mang tính tiên phong, muốn định hướng xã hội thay đổi tích cực hơn như đội mũ bảo hiểm, hay mang tính kỹ thuật cao, như năng lượng, công chúng vẫn có quyền được biết, và tôi đề nghị rằng nhiệm vụ của NGO là vận động cho quyền được biết đó của công chúng. Đó là chưa kể, nếu NGO vẫn muốn lobby kín đáo với các nhà hoạch định chính sách trong những trường hợp này, tôi e là các NGO không thể nào địch được với những người môi giới công nghệ, và những công ty công nghệ đang muốn bắt tay với nhà hoạch định chính sách để ký những hợp đồng khổng lồ. Vì thế, ở bài viết thứ nhất, tôi cho rằng việc lựa chọn lobby là chiến thuật chủ đạo sẽ khiến NGO tự đẩy mình vào thế yếu, và tác dụng của việc lobby là không bền vững.
Thứ hai, tôi nghĩ anh Đặng Hoàng Giang đồng ý với tôi ở điểm cần mở rộng chiều kích của công việc vận động khi anh nói về “lobby trực tiếp” và “lobby gián tiếp” và khi anh viết “việc vận động không phải là cuộc chiến giữa hai bên, một bên là công chúng, bên kia là chính quyền.…Tất cả đều là các tổ chức XHDS cả. Người thành công sẽ là người sử dụng khéo léo cả bốn ô vuông.” (“Bốn ô vuông”: kín đáo/công khai, đối đầu/hợp tác) Tôi xin được trình bày bốn ô vuông khác hơi khác:

Tôi muốn nói một điều nữa hơi ngoài lề, mặc dù chúng ta hay phủ định lý thuyết và thích lấy thực tiễn chứng minh, NGO Việt Nam mang một nỗi khổ bị dán nhãn vào các mô hình. Mô hình hóa kiểu “ba trụ cột của xã hội” trong đó “xã hội dân sự” cần độc lập khỏi “nhà nước” và “doanh nghiệp” chính là thứ lý thuyết chia rẽ “tổ chức xã hội dân sự” và làm các NGO ở Việt Nam khốn khổ vì kèm theo cái nhãn “xã hội dân sự”, sự mù mờ về mặt lý luận tạo ra một tham chiếu đầy sự nghi kỵ. Trong khi đó nếu lấy nền tảng giá trị làm chuẩn mực và yêu cầu tất cả các thiết chế phải hành xử trên cơ sở tôn trọng những giá trị đó, đồng thời khuyến khích những cách tiếp cận khác nhau trên cùng nền tảng và mục đích giá trị, hẳn đã có một cách nhìn thân thiện hơn.
Về khái niệm lobby, tôi không đồng ý với anh Đặng Hoàng Giang ở điểm anh cho rằng có thể coi vận động công chúng là “lobby gián tiếp”, về mặt ngôn ngữ. Tuy nhiên tranh luận về ngôn ngữ thường không hiệu quả, tôi chỉ thấy ít nhất là trong ví dụ về vận động bảo vệ thú cưng, anh đồng ý với tôi về việc có hai hướng đi: vận động người hoạch định chính sách và vận động công chúng. Với ví dụ này, tôi cho rằng một chế tài để bảo vệ thú cưng sẽ không bao giờ ra đời nếu không có một quá trình vận động công chúng. Thậm chí nếu có ra đời cũng sẽ chết yểu hoặc bị chế giễu. Hẳn mọi người còn nhớ quy định đăng ký và đeo số cho chó ở Hà Nội đã thành chuyện tiếu lâm như thế nào, mặc dù đây có thể coi là một công cụ chính sách tiến bộ nếu xét trên quan điểm của những người yêu chó.
Điểm thứ hai, trong bài viết thứ hai của tôi, tôi quan niệm rằng vận động công chúng không phải là sự đối đầu. Ngược lại, vận động công chúng giúp tạo ra điều mà chúng ta thường gọi là sự đồng thuận (dù chỉ là của số đông) giúp xoay chuyển những trở lực của sự phát triển. Không có sự đồng thuận đó, những người làm NGO đi vận động chính sách chỉ như con kiến leo cành đa. NGO phải bước ra công chúng và tự định danh mình một cách công chính, không một chính sách nào có thể đem lại cho họ sự công chính đó, cũng như không cá nhân nào có thể tước đoạt sự công chính của họ, nhất là chỉ bằng một bài viết nên anh Đặng Hoàng Giang chắc không cần phải đòi lại. Tôi cũng ngạc nhiên là bài viết của mình có thể được hiểu một cách đối đầu như một sự “kết tội” hay “tước đoạt” đối với NGO. Nó làm tôi nghĩ đến một cô bạn Trung Quốc tôi ở cùng vài tuần nay. Cô ấy nói rằng ở Trung Quốc, khi có người lạ tiếp cận mình, phản ứng đầu tiên của một người Trung Quốc bình thường là nghi ngờ người lạ kia có ý đồ xấu. Thật buồn, cô ấy nói, là người Trung Quốc đã mất lòng tin ở nhau đến thế nên nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. Câu chuyện này tôi thấy rất đáng suy nghĩ cho những cuộc tranh luận/thảo luận hay vận động ở Việt Nam nếu như có ai đó thấy có một sự công chính cần được trả lại.
Điểm thứ ba và cuối cùng, tôi cũng đồng ý với một số phản hồi của các đồng nghiệp khác, là thực tế công việc của các NGOs và môi trường công việc của họ phức tạp hơn bất kỳ một mô hình hoặc một cuộc thảo luận lý thuyết nào. Tôi rụt rè cho rằng các NGO Việt Nam nên khám phá nhiều hơn tất cả bốn ô vuông Đặng Hoàng Giang nêu ra, và khám phá cả những lăng kính khác trong đó không có ô vuông nào dán nhãn “đối đầu”. Trong quá trình khám phá ấy, tôi đề nghị rằng những người nào dám đặt chân ra trước cần nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, vì dù thành công hay thất bại, họ cũng là những người mở đường.
Với ba điểm này, và cũng như những gì đã trình bày ở bài viết trước của mình, quan niệm của tôi là một góc nhìn chứ không kỳ vọng nêu lên toàn cảnh. Có những góc nhìn khác sẽ giúp cho bức tranh toàn cảnh được đầy đủ hơn. Trên bức tranh đó, tôi xin phép được nhắc lại câu hỏi ban đầu của mình: Vận động về hướng nào? Có thể các đồng nghiệp đi trước tôi 10 hoặc 20 năm đã có những phương án rất hiệu quả từ trước đến nay, nhưng tôi vẫn hy vọng mình đã đặt ra một câu hỏi có ích cho chặng đường trước mắt của tất cả chúng ta. Một câu hỏi nữa tôi cũng mong cộng đồng những người làm phát triển Việt Nam suy nghĩ, đó là trên cái dải tần vận động nhiều cung bậc nhiều rủi ro kia, một tổ chức có thể bao sân hay không? Mặt khác, mặc dù tổ chức của bạn có thể chọn vị trí trung vệ, và chơi giỏi ở vị trí đó, liệu có “đội bóng một người” nào sẽ thắng đến trận chung kết mà không cần hàng tiền đạo? Và liệu có đội bóng nào tận hưởng chiến thắng vẻ vang được trọn vẹn nếu thiếu đi sự rung động của đông đảo người hâm mộ với một lối chơi đẹp?