
Tháng 9 năm 1981, Bobbi Campbell là một trong những người
đầu tiên có xét nghiệm dương tính ở San Francisco. Anh là người đầu tiên lên
tiếng công khai mình là người có HIV. Bobbi Campbell viết một chuyên mục trên San
Francisco Sentinel miêu tả về quá trình từ lúc anh phát hiện mình dương tính, đến
khi đối mặt với căn bệnh HIV/AIDS. Anh chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc cũng như
lời khuyên cho những người khác. Sự công khai đầu tiên của Bobbi Campbell như
một ngọn nến được thắp lên trong bóng đêm của đại dịch.
Tháng 2 năm 1982, Dan Turner có xét nghiệm dương tính với
HIV. Bác sĩ Marcus Conant đưa ra ý tưởng Dan Turner và Bobbi Campbell gặp nhau
để chia sẻ kinh nghiệm. Cuộc gặp diễn ra giữa hai người có HIV, có chung một
mục tiêu “sống sót” qua đại dịch đã khởi nguồn cho phong trào dân sự phòng
chống HIV, không những ở San Francisco mà ở cả New York, không những ở Mỹ, mà
cả ở Canada, châu Âu, và nhiều nơi trên thế giới.
Tháng 5 năm 1983, một nhóm bốn người đồng tính có HIV ở San
Francisco, khi họ biết không còn nhiều thời gian, đã quyết định đứng lên để đối
mặt với AIDS và xóa bỏ kỳ thị trong xã hội. Họ đã thức cả đêm ôm một tấm biểu
ngữ ghi dòng chữ “đấu tranh vì mạng sống
của chúng ta – fighting for our lives”. Hành động của họ đã được hàng nghìn
người ủng hộ, làm cho HIV/AIDS không còn là một nỗi sợ mơ hồ, mà là những khuôn
mặt con người cụ thể. Người có HIV có thể là người hàng xóm, bạn bè, người
thân, hay đồng nghiệp. Chính điều này đã thúc đẩy chính phủ phải quan tâm hơn đến
đại dịch HIV/AIDS, đầu tư vào nghiên cứu, phòng chống, và điều trị cho người có
HIV.
Sự xuất hiện của Bobbi Campbell, sự lên tiếng của Dan Turner
đã thắp sáng nhiều cuộc đời của người có HIV, đã xua đi nỗi sợ trong nhiều
người có HIV để họ cùng lên tiếng và tìm thấy nhau. Cũng như bất cứ cuộc đấu
tranh dân sự nào khác, những người đang chịu một nỗi đau, một thiệt thòi, hay một
bất công nếu không lên tiếng sẽ không tìm thấy nhau. Sự lên tiếng của người đầu
tiên, sẽ kéo theo sự lên tiếng của người thứ hai. Cứ vậy, sự chia sẻ kết nối sẽ
giúp từng người vượt qua sợ hãi, và góp phần gỡ bỏ những lưới sắt của định kiến
kỳ thị, của áp bức và bất công.
Tuy nhiên, quá trình này không chỉ đơn giản là sự liên tiếng
của từng cá nhân đơn lẻ, quan trọng hơn là quá trình vận động và kết nối của
cộng đồng. Một Bobbi Campbell, một Dan Turner, bốn người ở giai đoạn AIDS, hay
một trăm người có HIV lên tiếng sẽ không tạo ra thay đổi nếu như họ không cất
tiếng cùng nhau. Sự khởi đầu ở San Francisco, ở New York đã truyền cảm hứng cho
Hội nghị lịch sử ở Denver vào cuối năm 1983 khi người có HIV trên toàn nước Mỹ
quy tụ, thảo luận và đưa ra các nguyên tắc thay đổi cuộc chơi. Người có HIV
không thụ động nữa, không chỉ ngồi lặng lẽ cúi đầu để y tế, bác sĩ, cán bộ công
tác xã hội tuyên truyền về HIV, về bệnh, và coi họ như nạn nhân cần cứu giúp. Người
có HIV đã quyết sống là người chủ động, là người đi đầu trong phòng chống HIV,
và tạo dựng một lối sống tích cực, có trách nhiệm không chỉ với những người đã
chết, với những người đang sống với HIV, mà với cả những thế hệ tiếp sau. Đây
chính là bước ngoặt để chính người đồng tính, người có HIV tham gia và đi đầu
trong việc loại bỏ đại dịch HIV/AIDS ở Mỹ.
Ở Việt Nam, Phạm Thị Huệ là người phụ nữ đầu tiên công khai
mình là người có HIV trước công chúng. Sự xuất hiện của chị Huệ, sau này là của
những người như anh Nguyễn Trọng Kiên đã nhân văn hóa hình ảnh của những người
có HIV. Chính sự lên tiếng của họ đã giúp giảm dần nỗi sợ về HIV/AIDS trong xã
hội Việt Nam, cũng như giúp nhiều người có HIV công khai, lên tiếng hơn.
Tuy nhiên, từ bài học ở Mỹ cho thấy đại dịch HIV/AIDS ở Việt Nam chỉ được đẩy lùi khi cộng đồng người có HIV tụ hợp và khởi tạo phong trào dân sự phòng chống HIV. Họ phải là người đi đầu, và họ phải được ủng hộ bởi xã hội và chính phủ. Tinh thần khởi xướng của Bobbi Campbell và Dan Turner, lòng dũng cảm của những người đàn ông đồng tính sống trong giai đoạn AIDS ở San Francisco, và nguyên tắc sống chủ động, tích cực của Hội nghị Denver cần phải được truyền vào cộng đồng người có HIV Việt Nam. Chỉ khi người có HIV không còn im lặng thì họ mới tìm được nhau và cùng nắm tay đi đầu cuộc chiến chống HIV/AIDS. Chỉ khi xã hội và chính phủ ủng hộ sự lên tiếng và kết nối của người có HIV, thì cuộc chiến chống HIV/AIDS ở Việt Nam mới thành công!