Tôi đồng ý với Nghiêm Hoa trong bài “Vận động công chúng, NGO làm việc đúng” vì rõ ràng dù luật pháp thay đổi mà xã hội và người dân không thay đổi, thì chính sách làm ra cũng chỉ để treo. Xét cho cùng, mục đích là cuộc sống tốt đẹp hơn cho con người, chứ không phải một chính sách đẹp hơn. Bên cạnh đó, tôi cũng đồng ý với Đặng Hoàng Giang trong bài “Trả lại sự công chính cho lobby và NGO” ở điểm, để vận động thành công, mỗi tổ chức và cá nhân cần vận dụng nhiều phương cách khác nhau. Trong vận động, không thể cứng nhắc mà phải “tùy cơ ứng biến” thì mới mong đạt kết quả. Tuy nhiên, hai tác giả mới bàn về “đối tượng vận động” (người dân hay người hoạch định chính sách) và “phương thức vận động” (trực tiếp hay gián tiếp). Trong bài này, tôi muốn đề cập một vấn đề khác, theo tôi là quan trọng hơn, đó là “động cơ vận động” của NGO vì nó quyết định đạo đức và sự công chính trong hoạt động của họ. 

Ảnh: cộng đồng LGBT lên tiếng vận động thay đổi luật pháp bảo vệ quyền của mình


Để biết hoạt động của một tố chức có đạo đức hay không, ta cần xét đến động cơ của tổ chức đó. Các NGO thường có một sứ mệnh tốt đẹp như xóa đói giảm nghèo, giải quyết vấn đề bất bình đẳng xã hội, gìn giữ môi trường trong sạch, và bảo vệ quyền con người, đặc biệt của các nhóm thiểu số yếu thế. Đây chính là động cơ tồn tại, là “sợi chỉ đỏ xuyên suốt” quyết định mục đích và phương cách hoạt động của NGO. Nó cũng chính là giá trị đảm bảo sự hấp dẫn và uy tín của NGO. Nếu họ đi chệch sứ mệnh này, công chúng có quyền xem xét động cơ và tính công chính trong hoạt động của họ.

Trong những năm gần đây, không những các tổ chức NGO Việt Nam, mà rất nhiều tổ chức NGO quốc tế đang chuyển hoạt động của họ sang “vận động chính sách”. Sự chuyển dịch này xuất phát từ diễn ngôn cho rằng thay đổi một chính sách sẽ mang lại hiệu quả to lớn hơn rất nhiều việc thay đổi cuộc sống của một gia đình, một thôn bản trong các dự án hỗ trợ trực tiếp ở cấp cộng đồng. Điều này xuất phát từ kinh nghiệm thực tế của các tổ chức NGO. Tuy nhiên, nó cũng có thể do sự chuyển dịch trong chính sách của các nhà tài trợ. Sau nhiều năm miệt mài với những dự án phát triển cộng đồng, hoặc cho rằng Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình nên chính phủ có đủ nguồn lực để cung cấp dịch vụ cho người dân, các nhà tài trợ muốn tập trung vào vận động chính sách, đảm bảo nguồn lực của chính phủ có lợi cho người nghèo và những nhóm thiểu số thiệt thòi.

Như vậy, nếu NGO tham gia vận động đơn giản vì nguồn tiền tài trợ được đổ về cho vận động chính sách, thì công chúng có quyền đặt câu hỏi về động cơ của họ. Đơn giản, khi động cơ của họ là “thay đổi chính sách” vì yêu cầu của nhà tài trợ, thì việc “đi đêm chính sách” với mọi mánh khóe có thể được sử dụng, nhằm mục đích có một “câu của mình” ghi vào trong chính sách. Không cần biết “câu của mình” có tác dụng như thế nào, động cơ “ghi điểm” của NGO có thể được coi là không công chính. (Vấn đề năng lực kỹ thuật của NGO khi vận động chính sách tôi không bàn ở bài này, mà sẽ bình luận trong một bài khác).

Dường như, việc “thay đổi” hay “thích nghi” này của NGO phục vụ cho sự tồn tại của tổ chức hơn là phục vụ cộng đồng và xã hội. Họ coi trọng số dự án và ngân sách mình xin được, hay sự đảm bảo tiền để trả lương cho nhân viên, thuê văn phòng và đóng phí quản lý cho cơ quan chủ quản, hơn là thực hiện sứ mệnh khi họ được thành lập. Có lẽ, trong việc duy trì sự tồn tại của mình, NGO làm tốt hơn rất nhiều so với doanh nghiệp. Trong nhiều năm qua, hàng chục ngàn doanh nghiệp tuyên bố phá sản, nhưng chưa thấy tổ chức NGO nào tuyên bố giải thể vì hoạt động không hiệu quả hoặc sứ mệnh của họ đã hoàn thành!

Bên cạnh động cơ vận động chính sách của NGO, tôi muốn bàn về tính chính danh của NGO. Một số NGO hoạt động trong những vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị phức tạp, đa chiều như môi trường, năng lượng, quyền con người và bất bình đẳng xã hội. Họ cho rằng các hoạt động này đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu nên quá phức tạp để người dân cho ý kiến. Với năng lực kỹ thuật và tâm huyết, các NGO này tin rằng họ đang làm điều đúng cho nhóm đối tượng họ bảo vệ. Tuy nhiên, điều này không đảm bảo tính chính danh và đạo đức trong hoạt động của NGO vì bằng chứng của chuyên gia không có nghĩa là ý kiến của người dân. Nói cách khác, nhân viên NGO cũng chỉ là một công dân và họ không có quyền đại diện cho người dân khác, đặc biệt những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Luật hoặc chính sách đang bàn luận. Họ nhầm tưởng với mục đích tốt, nhiệt tình và tâm huyết thì có thể “nói hộ” người dân. Hơn nữa, đôi khi sự xuất hiện của NGO lại chiếm không gian vận động chính sách của người dân, những người bị coi là không có năng lực chuyên môn và tổ chức để bảo vệ quyền lợi của mình. Như vậy, trong quá trình vận động thay đổi chính sách, họ đã lề hóa hoặc thụ động hóa người dân, những người có quyền và chính danh tham gia xây dựng chính sách.

Một ví dụ cụ thể đó là thủy điện. Các NGO có thể coi mình là chuyên gia xã hội, chuyên gia môi trường, hay chuyên gia năng lượng, họ nghĩ mình biết cần phải làm gì để có lợi cho những người dân bị ảnh hưởng bởi thủy điện. Tuy nhiên, nếu người dân không được mời đến bàn nghị sự, thì dù NGO có biện minh như thế nào thì những điều họ làm cũng chỉ xuất phát từ suy nghĩ và kiến thức của họ, và họ vẫn là trung tâm của quá trình vận động, và quá trình vận động vẫn phục vụ cái tôi cá nhân, hay cái tôi tổ chức. Như vậy, động cơ vận động vẫn không phục vụ cho quyền của người dân, trong trường hợp này là những người nông dân bị ảnh hưởng bởi đập thủy điện.

Như vậy, việc hướng tới vận động thay đổi có thể nhắm trực tiếp vào các nhà hoạch định chính sách hay hướng tới người dân, sử dụng hình thức lobby hay hội thảo khoa học. Tuy nhiên, điều quan trọng là động cơ của NGO và sự tham gia trực tiếp của người dân mới quyết định sự công chính trong hoạt động vận động của NGO. Đây chính là những lỗi NGO hay gặp phải, dễ dẫn đến tình trạng tồn tại để phục vụ mình, hơn là tồn tại để phục vụ sứ mệnh của mình.