Theo Phan Ý Ly, mục tiêu của các lớp học này là để mọi người biết dành thời gian cho chính mình, thay vì cứ đi tìm mọi thứ ở bên ngoài và chạy theo các giá trị của người khác. Bên cạnh đó, chị cũng khởi xướng và hợp tác với các tổ chức phi chính phủ để thực hiện các dự án hỗ trợ trẻ em nghèo, người khuyết tật hay phụ nữ bị bạo hành.
Diễn Ngôn đã có cuộc trò chuyện với Phan Ý Ly để tìm hiểu quan điểm của chị trong việc áp dụng nghệ thuật vào lĩnh vực phát triển.
Không chỉ người yếu thế mới bị tổn thương
Diễn Ngôn: Vì sao chị lại có ý tưởng thực hiện các dự án nghệ thuật với những người yếu thế?
Phan Ý Ly: Tôi làm việc trong các tổ chức phi chính phủ từ năm 2001 - đương nhiên những tổ chức này chuyên làm việc với người yếu thế. Năm 2004, tôi sang Anh học thạc sĩ chuyên ngành Ứng dụng Nghệ thuật và Truyền thông trong Phát triển Cộng đồng cũng là để làm việc với những người yếu thế, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Không phải tôi đang làm việc với người “bình thường”, rồi tự nhiên nảy ra ý định làm việc với người yếu thế, mà ngược lại, tôi làm việc với người yếu thế trong suốt 10 năm, rồi quyết định mình phải làm việc với người “bình thường”. Hiện nay tôi làm việc song song với cả hai nhóm.

Diễn Ngôn: Theo chị, đâu là điểm chung và điểm riêng giữa người yếu thế và người “bình thường” khi chị thực hiện các dự án ứng dụng nghệ thuật trong phát triển?
Phan Ý Ly: Điểm chung là mọi người đều bị tổn thương, cả người “bình thường” lẫn người yếu thế. Điểm khác biệt, đấy là đa phần xã hội dễ hiểu rằng người yếu thế cần được quan tâm, chăm sóc đặc biệt. Trong khi đó, người “bình thường” cũng có rất nhiều vấn đề, nhưng do họ có một vỏ bọc hoàn hảo, không bị khuyết tật, không sinh ra trong gia đình nghèo, không ở miền núi, nên họ được coi là “bình thường”. Cũng chính vì thế, họ thường bận tâm đến tiền, vật chất, các mối quan hệ và mục tiêu cuộc sống hơn là sự khỏe mạnh của tâm hồn.
Nếu một người không chấp nhận được nhiều thứ ở bên trong anh ta, thì anh ta cũng không chấp nhận được những người khác mình. Nhóm người “bình thường”, nếu họ ý thức được sâu sắc về việc mình là ai, mình có khác biệt gì và chấp nhận sự khác biệt đó, thì họ sẽ tôn trọng sự khác biệt ở người khác nữa. Tôi nghĩ rằng nếu mình hỗ trợ cả những người “bình thường” thì mức độ lan tỏa, mức độ thay đổi xã hội sẽ nhanh hơn là chỉ tập trung vào nhóm yếu thế.
Diễn Ngôn: Cách tiếp cận khi chị tổ chức khóa học hay chương trình nghệ thuật cho hai nhóm đó có khác nhau không?
Phan Ý Ly: Thực ra cũng không khác nhau là mấy, bởi các khóa học đều được thiết kế dựa trên đặc thù của từng nhóm. Với nhóm thanh niên, nhóm khuyết tật, nhóm thiểu số, hay nhóm bị bạo hành, mình đều phải khảo sát, nghiên cứu một cách khách quan nhất có thể, chứ không ngay lập tức kết luận rằng “à, họ bị như thế nghĩa là mình nên làm thế này, thế kia.”
“Phát triển” phải dựa trên sự thấu hiểu và trung thực
Diễn Ngôn: Các dự án chị đã làm với những nhóm yếu thế đã có tác động như thế nào tới bản thân nhóm đó và tới xã hội?
Phan Ý Ly: Tôi đã thực hiện một số dự án với trẻ em một xã ở Thái Nguyên, các em nhỏ ở bãi giữa sông Hồng, các bạn khuyết tật, và một số người bị bạo hành. Tác động nhìn thấy ngay được trong khuôn khổ chương trình là việc họ chiêm nghiệm về bản thân nhiều hơn, đa chiều hơn. Họ trở nên ý thức rõ rệt rằng mình vừa trải qua cái gì, tổng thể cuộc đời mình như thế nào, và mình cần làm gì tiếp theo. Có thể khi mới tham gia chương trình, họ bị “ngập” trong cảm xúc về sự đau khổ, sự bị kỳ thị, sự tự ti, sự bất cần hay mong muốn đấu tranh, v.v... Nhưng khi họ có thời gian để trò chuyện với bản thân mình nhiều hơn, lắng nghe và chia sẻ với người khác, họ sẽ hiểu hơn về bản thân và vị trí của mình trong cộng đồng. Khi bức tranh cuộc đời trở nên rõ ràng, bớt rối rắm, họ sẽ có những quyết định bình tĩnh, sáng suốt hơn.
Về tác động dài hạn hơn, ví dụ như trong dự án “Cuộc đời của tôi, cách nhìn của tôi”, 7 em nhỏ sống ở “xóm liều” dưới chân cầu Long Biên đã được cung cấp máy quay và hỗ trợ để tự thực hiện bộ phim “Thảo nguyên xanh tươi” kể về cuộc sống của cộng đồng mình. Bộ phim này có tính lan truyền rất mạnh; chỉ một năm sau khi bộ phim ra đời, nhiều nhà báo bây giờ khi viết về cái lạnh của mùa đông Hà Nội thì cũng viết luôn về người bãi giữa, coi họ là một cộng đồng quan trọng cần được đưa tin. Nhiều tổ chức xã hội cũng quan tâm hơn đến nhóm người này. Ngoài ra, không chỉ 7 em nhỏ trực tiếp làm phim, mà bố mẹ hay hàng xóm của các em cũng cảm thấy khác biệt về chính bản thân mình, tự tin hơn, điềm tĩnh hơn khi tiếp xúc với những người khác.

Diễn Ngôn: Nhiều người thuộc nhóm yếu thế thường có tâm trạng tự ti, hoặc khép kín, thiếu tin tưởng đối với người ngoài. Chị giải quyết khó khăn này như thế nào khi làm việc với họ?
Phan Ý Ly: Nhóm người nào cũng có vấn đề của mình, chỉ khác là ở những mức độ khác nhau. Ví dụ có những giảng viên đại học khi giảng bài không dám nhìn vào mắt sinh viên vì không đủ tự tin. Khó khăn đấy là một phần của công việc. Tôi không coi đấy là một điều không lường trước được. Xây dựng lòng tin luôn nằm trong kế hoạch làm việc của tôi, thậm chí chính là nền tảng. Ví dụ như trong dự án làm phim với các em ở bãi giữa, chúng tôi mất 3 tháng chỉ để xây dựng lòng tin bằng cách nói chuyện, trao đổi với các em nhỏ và mọi người trong xóm, chứ không phải dạy dỗ hay làm việc gì cả.
Diễn Ngôn: Ngoài việc giúp những người tham gia được sống thực với cảm xúc của mình và tự do biểu hiện bản thân, những dự án nghệ thuật của chị có làm tăng sự tương tác giữa họ và các cộng đồng khác không?
Phan Ý Ly: Điều đó tùy thuộc vào mục tiêu của từng dự án. Trong những chương trình biểu diễn mang tính chất một chiều, sự tương tác giữa các nhóm không phải là mục tiêu quan trọng. Tương tự, với những dự án nghệ thuật trong đó người biểu diễn chính là đối tượng mà dự án hướng đến, ví dụ như dự án người khuyết tật diễn kịch, thì quá trình làm việc với người biểu diễn, làm sao để họ hiểu hơn về bản thân mình và trở nên tự tin hơn, mới là phần quan trọng nhất. Khi đó, bản thân buổi diễn chỉ là phần phụ thêm.
Ngược lại, đối với những dự án nhằm nâng cao ý thức cộng đồng về một vấn đề nào đó, hoặc nhằm hòa giải mâu thuẫn giữa các nhóm thuộc những tầng lớp, thế hệ, văn hóa hay cộng đồng khác nhau, buổi diễn lại là phần quan trọng, và trong đó chắc chắn cần có sự đối thoại, tương tác giữa diễn viên và khán giả. Loại hình sân khấu tương tác, nơi khán giả cũng chính là người viết kịch bản hoặc biểu diễn, có thể thực hiện tốt vai trò này.
Diễn Ngôn: Khi tổ chức những chương trình biểu diễn nhằm nâng cao ý thức cộng đồng, chị đã làm như thế nào để đảm bảo buổi diễn đó vừa mang thông điệp xã hội, vừa hấp dẫn, thú vị, có chất lượng nghệ thuật?
Phan Ý Ly: Thông điệp xã hội không nhất thiết làm giảm sự hấp dẫn của một tác phẩm nghệ thuật, nhưng điều đó cũng tùy thuộc bạn định nghĩa thế nào là nghệ thuật. Theo tôi, đối với người nghệ sĩ, làm thế nào để tác phẩm hấp dẫn, điều tiên quyết là phải trung thực với cảm xúc của mình, chứ không phải nhân danh người biết hơn để nói cho người chưa biết. Nếu người nghệ sĩ không trung thực với chính mình, khán giả sẽ thấy ngay là tác phẩm không hấp dẫn, không trung thực. Nếu người nghệ sĩ trung thực với chính bản thân mình thì tác phẩm sẽ có hồn và chạm đến cảm xúc của người xem, mặc dù nó có thể không đưa ra thông điệp cụ thể nào hết. Từ việc chạm vào cảm xúc của khán giả, nó sẽ dẫn đến những suy nghĩ, cảm hứng và hành động khác nhau. Những suy nghĩ, hành động đó có thể không theo thông điệp mà phía tổ chức muốn hướng đến. Tuy nhiên, nếu chúng ta tìm mọi cách để thông điệp xã hội trở thành kim chỉ nam cho một dự án nghệ thuật thì dự án đó chắc chắn sẽ thất bại. Điều đó giống như khi bạn nói chuyện với ai đấy mà bắt đầu bằng việc dạy dỗ người ta thì coi như cuộc trò chuyện ấy hỏng ngay từ đầu. Chỉ đến khi bạn thành thực với bản thân mình thì người kia cũng sẽ thành thực lại. Cuộc đối thoại khi đó sẽ đem lại nhiều thứ hơn.
Diễn Ngôn: Cảm ơn chị Phan Ý Ly đã dành cho Diễn Ngôn cuộc trò chuyện thú vị!
Phan Ý Ly và hoạt động ứng dụng nghệ thuật trong phát triển
2005: Thực hiện dự án đào tạo Sân khấu tương tác cho thanh niên ở "xóm liều" Kibera (Kenya) với chủ đề giới, giới tính và sức khỏe sinh sản.
2007: Thực hiện dự án "Cuộc đời của tôi, cách nhìn của tôi", trong đó 7 em nhỏ được cung cấp camera và hướng dẫn để tự quay, tự viết lời bình cho bộ phim "Thảo nguyên xanh tươi" kể về cộc sống của các em ở bãi Giữa sông Hồng.
2010 - 2011: Thực hiện dự án "Tôi", trong đó 20 bạn khuyết tật thuộc trung tâm Nghị Lực Sống tập và công diễn vở kịch kể về chính câu chuyện của cuộc đời mình.
2012: Tổ chức hội thảo Thực hành võ thuật và phát triển dành cho người khuyết tật, giúp người khuyết tật khám phá sức mạnh bản thân, xóa bỏ mặc cảm.