Trong những năm vừa qua, chúng ta chứng kiến sự nở rộ của các tổ chức phi lợi nhuận cũng như sự phát triển của doanh nghiệp xã hội. Chúng ta cũng thấy một sự dịch chuyển trong văn hóa của thế giới kinh doanh, từ cách làm ăn gây hại cho môi trường sang văn hóa doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội hơn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang chứng kiến chiến tranh, đói nghèo, bạo lực, bất công, và một tốc độ suy thoái môi trường kỷ lục.

Ảnh: Vietpride Hanoi 2015 (nguồn: facebook Vietpride)
Ảnh: Vietpride Hanoi 2015 (nguồn: facebook Vietpride)


Nhìn lại lịch sử, chúng ta nhận ra những thay đổi quan trọng không phải do một tổ chức nào khởi xướng, mà do các phong trào xã hội tạo ra. Như Paul Hawken nhấn mạnh, những phong trào toàn cầu đang đóng góp cho một thế giới lành mạnh và nhân văn hơn, những phong trào không đứng dưới một biểu ngữ duy nhất nào, mà do hành động của hàng triệu cá nhân và tổ chức trên thế giới.

Như vậy, liệu các tổ chức và doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội có thể hành động như một phong trào hơn là một tổ chức không? Và nếu như vậy thì trên thực tế nó sẽ như thế nào?

Để trả lời các câu hỏi này, chúng ta định nghĩa lại ba yếu tố: thành công, lãnh đạo, và công cụ

Định nghĩa thành công

Trong phong trào, sứ mệnh định nghĩa mục đích cuối cùng của nhóm. Khi một phong trào thành công cũng đồng nghĩa với “sứ mệnh hoàn thành - Mission accomplished!— và mọi người về nhà. Trong tổ chức, sứ mệnh được định nghĩa bằng “cái chúng ta làm”. Thành công của tổ chức có nghĩa là mọi người liên kết quanh cái tổ chức làm.

Phong trào định nghĩa thành công mang tính toàn cầu. Nếu một phong trào thành công, thay đổi đến với tất cả mọi người. Còn đối với tổ chức thì lại khác, thường định nghĩa thành công một cách nôi bộ, nghĩa là cái đã được hoàn thành cho tổ chức.

Phong trào tìm kiếm thành công nhanh chóng. Tổ chức thường hài lòng với những cải thiện từ từ, nói cách khác tổ chức không thể tạo ra những thay đổi trên diện rộng.

Trong phong trào, trách nhiệm giải trình với mục đích/sứ mệnh là quan trọng nhất và lớn hơn bất cứ một cá nhân nào. Khi phải ra quyết định khó khăn, mục đích/sứ mệnh được ưu tiên xem xét đầu tiên. Trong tổ chức, trách nhiệm giải trình với tổ chức được cho lên đầu tiên; khi lãnh đạo đối mặt với khó khăn, duy trì sự bền vững của tổ chức là điều quan trọng nhất.

Từ “phong trào” có nghĩa “tạo ra hành động”, đi từ nơi này đến nơi khác. Duy trì phong trào có nghĩa là duy trì hành động. Theo Meriam Webster, từ “tổ chức” có nghĩa “là hành động hoặc quá trình sắp xếp các phần khác nhau của một cái gì đó theo một trật tự nhất định để nó có thể được nhận biết hoặc sử dụng dễ dàng”. Duy trì một tổ chức có nghĩa là duy trì cái trật tự đó.

Định nghĩa lãnh đạo

Phong trào bắt đầu bằng giá trị. Trong các phong trào thành công, các quyết định và hành động thống nhất với giá trị. Tổ chức bắt đầu bằng hành động, được củng cố bằng tiên đề “năng lực cốt lõi” và giá trị ít khi được sử dụng như một phong vũ biểu để tổ chức xác định cần phải làm gì.

Lãnh đạo phong trào là một vai trò chủ động, nó bao gồm lãnh đạo các hành động cụ thể, nhưng thường không có chức danh. Ngược lại, lãnh đạo một tổ chức là vai trò có chức danh, ví dụ như giám đốc điều hành. Các nhà lãnh đạo có chức tước này, dù lớn hay bé, rất hiếm khi là người chỉ huy triển khai các hoạt động thực tế.

Trong phong trào, lãnh đạo xuất hiện từ nội bộ. Bất cứ ai cũng có thể tham gia, đơn giản bằng cách cam kết hành động theo đúng mục đích/sứ mệnh của phong trào. Khi đã tham gia phong trào, trở thành lãnh đạo hay không tùy thuộc vào quyết tâm của từng cá nhân có muốn đóng góp và hành động hay không. Tổ chức thì lại hướng ra ngoài để tìm lãnh đạo. Một người chỉ có thể tham gia một tổ chức khi có một chức danh nhất định (thành viên hội đồng, nhân viên, tình nguyện viên, v.v.), và họ không thể tự quyết có lãnh vai trò lãnh đạo hay không, điều này phụ thuộc vào những người có thẩm quyền quyết định.

Lãnh đạo trong phong trào thì khá là phân tán và linh hoạt, phụ thuộc vào sự gắn bó và tham gia của các cá nhân. Lãnh đạo trong một tổ chức thì phải theo cơ cấu, và thường là theo thứ bậc như miêu tả trong cấu trúc tổ chức. Những người bên ngoài tổ chức thường tham gia như những nhà tài trợ, đầu tư hơn là những người hành động.

Quản trị của phong trào thường là về giá trị, chiến lược và hướng đi. Quản trị của một tổ chức là về sự tuân thủ quy trình, giám sát, và quản lý rủi ro. Chiến lược thường được phát triển bởi người khác và phê duyệt bởi người có quyền lực. Các giá trị ít khi xuất hiện trong các cuộc đối thoại về quản trị tổ chức.

Cuối cùng, phong trào chính là nhà lãnh đạo, mọi người làm việc cho phong trào và trung thành với những cá nhân khác trong phong trào, và với sứ mệnh chung to lớn hơn lợi ích cá nhân. Trong tổ chức, lãnh đạo mong muốn nhân viên trung thành với tổ chức.

Định nghĩa phương tiện

Trong phong trào, hình thức đi theo nhiệm vụ. Khi nhiệm vụ thay đổi, hình thức phong trào thay đổi linh hoạt và hiệu quả. Trong tổ chức, nhiệm vụ phụ thuộc vào hình thức; nhiệm vụ phụ thuộc vào các điều khoản, luật, và các tuyên bố chính thức của tổ chức. Tổ chức coi trọng tính ổn định và hiệu suất

Phong trào được ủng hộ từ trong ra ngoài, bắt đầu bằng những người quan tâm và bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nguyên nhân vấn đề, và từ đó lan tỏa ra những người xung quanh. Phong trào định nghĩa “nguồn lực” như là những nguồn lực thực tế (lao động, vật dụng), có sẵn trong cộng đồng. Tổ chức, theo cách khác, được hỗ trợ từ bên ngoài như khách hàng, nhà tài trợ, nhà đầu tư. Định nghĩa nguồn lực là “tiền.

Phong trào tiếp nhận một cấu trúc và hệ thống phản ánh cách xã hội hướng tới việc mọi người sống tốt cùng nhau. Tổ chức thường chấp nhận một hệ thống phản ánh cách doanh nghiệp duy trì tính chủ quyền lên nhau.

Như vậy, lĩnh vực phát triển xã hội đang tiếp tục thử nghiệm các mô hình tổ chức mới để thúc đẩy phong trào như Paul Hawken miêu tả ở trên. Khi tổ chức định nghĩa thành công, lãnh đạo, và công cụ càng theo hướng phong trào, thì tổ chức càng có thể thành công trong việc tạo ra một thế giới lành mạnh và nhân văn hơn.

***Lược dịch từ Tạp chí sáng kiến xã hội Stanford