
Các hội có hình thức đa dạng, đó có thể là các câu lạc bộ, hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các quỹ, công đoàn, tổ chức tôn giáo, chính đảng và công ty. Do sự đa dạng của các nhóm, pháp luật các quốc gia thường có quy định điều chỉnh riêng một số nhóm, hội bằng các luật riêng như: luật về doanh nghiệp - công ty, luật về công đoàn - nghiệp đoàn, luật về các đảng phái chính trị, luật về các tổ chức tôn giáo.
Khái niệm “hội” (association) trong tiếng Anh cũng có nội hàm rất rộng. Theo Đại diện đặc biệt của LHQ về những người bảo vệ nhân quyền (trong văn bản số A/95/401, đoạn 46) thì: Khái niệm “hội” nhắc đến bất kỳ nhóm cá nhân hoặc bất kỳ thực thể pháp lý nào liên kết với nhau để cùng nhau hành động, bày tỏ, thúc đẩy, theo đuổi hoặc bảo vệ một lĩnh vực quan tâm chung (a field of common interests) Trong báo cáo của mình, Báo cáo viên về tự do hội họp và lập hội của Liên Hợp quốc Maina Kiai đã nhắc lại và sử dụng định nghĩa này (Báo cáo về năm hoạt động đầu tiên 1/5/2011 – 30/4/2012, A/HCR/20/27, đoạn 51).
Quyền tự do lập hội chỉ giới hạn ở các nhóm hình thành vì mục đích “công” (public), còn các nhóm chỉ vì lợi ích riêng tư, chẳng hạn như nhóm gia đình, được bảo vệ bởi các quy định khác, chẳng hạn như Công ước về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) Điều 17. Trong vụ P.S. kiện Đan Mạch (mã số 397/90), HRC Ủy ban nhân quyền, cơ quan có thẩm quyền giám sát việc thực thi ICCPR) kết luận rằng khiếu nại của người cha liên quan đến sự vi phạm quyền của mình được tụ họp (to associate) với con trai không làm phát sinh vấn đề liên quan đến quyền lập hội (Điều 22 ICCPR).
Hội có thể có tư cách pháp nhân hoặc không có tư cách pháp nhân. Nếu không có tư cách pháp nhân, hội có thể bị giới hạn một số quyền nhất định (như quyền sở hữu tài sản...).
Vai trò của quyền lập hội trong xã hội dân chủ
Quyền lập hội gần gũi với quyền hội họp (tụ họp) và quyền tự do biểu đạt (tự do ngôn luận). Các quyền này đều có giá trị quan trọng trong việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền khác.
Hiến pháp Hoa Kỳ, Tu chính án thứ 1, không đề cập đến quyền lập hội mà chỉ đề cập đến tự do ngôn luận và hội họp. Chính Tòa án Tối cao, thông qua án lệ từ vụ NAACP kiện Alabama ex rel. Patterson (1958) đã kết luận rằng quyền lập hội phát sinh từ quyền tự do biểu đạt. Bởi lẽ, nếu không có sự tập hợp lên tiếng thì quyền biểu đạt bị giảm hiệu quả đáng kể.
Tuyên bố về những người bảo vệ nhân quyền của LHQ (1998) cũng khẳng định để thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người và tự do cơ bản, mọi người phải có quyền tự do lập hội ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế.
Trong lĩnh vực lao động, Công ước quốc tế về quyền tự do lập hội và bảo vệ quyền lập hội 1948 (Công ước 87 của ILO), tại Điều 2, xác định mọi người lao động và người sử dụng lap động đều có quyền thành lập và gia nhập các tổ chức mà họ tự lựa chọn mà không phải xin phép trước.
Trong lĩnh vực chính trị, quyền lập hội cũng có vai trò rất thiết yếu đối với việc hiện thực hóa quyền bầu cử, ứng cử và quyền tham gia quản lý đất nước. Bình luận chung số 25 (năm 1996) của Ủy ban Nhân quyền (cơ quan giám sát ICCPR) khẳng định quyền tự do biểu đạt, hội họp và lập hội là những điều kiện quan trọng cho việc thực hiện hiệu quả quyền bầu cử và phải được bảo vệ đầy đủ (đoạn 12). Báo cáo viên về tự do hội họp và lập hội Maina Kiai, trong năm 2013, đã có một nghiên cứu với những khuyến nghị riêng về mối quan hệ giữa quyền hội họp, lập hội và bầu cử.
Nội dung quyền lập hội
Quyền lập hội gồm ba lĩnh vực cơ bản là: 1) Quyền thành lập hội; 2) Quyền gia nhập hội; 3) Hoạt động, điều hành các hội.
Quyền thành lập và gia nhập hội
ICCPR tái khẳng định và cụ thể hóa quy định về quyền tự do hội họp trong Điều 20 UDHR. Khoản 1 Điều 22 ICCPR xác định: Mọi người có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình. Từ nội dung đó, có thể thấy quyền này bao gồm cả ba khía cạnh: (i) thành lập ra các hội mới, (ii) gia nhập các hội đã có sẵn, và (iii) hoạt động, điều hành các hội, bao gồm cả việc tìm kiếm, huy động các nguồn kinh phí.
Quyền thành lập và gia nhập các hội là nội dung chủ yếu của quyền tự do lập hội. Quyền này bao hàm cả quyền thành lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của người lao động. Cũng cần lưu ý là quyền thành lập và gia nhập các công đoàn được bảo vệ cả trong ICCPR (Điều 22) và ICESCR (Điều 8).
Trong khi thủ tục thành lập một hội có tư cách pháp nhân được quy định khác nhau trong pháp luật của các quốc gia, điều quan trọng là các cơ quan nhà nước giải quyết thủ tục một cách thiện chí, nhanh chóng và bình đẳng. Thủ tục này càng đơn giản, càng tiết kiệm thời gian và chi phí thì càng tốt. Một số ví dụ tốt đã được nhắc đến là việc thành lập hội không mất chi phí gì (ở Bungary), rất nhanh chóng (ở Nhật, việc nộp đơn có thể qua mạng Internet)... Chuyên gia của Liên Hợp Quốc khuyến nghị rằng một “thủ tục thông báo” (a notification procedure) thì tốt hơn, phù hợp với luật nhân quyền hơn là một “thủ tục cho phép trước” (prior authorization procedure) đòi hỏi phải có sự chấp thuận của cơ quan nhà nước để thiết lập một pháp nhân.
Trong thủ tục thông báo, các hội tự động được trao tư cách pháp nhân ngay khi nhà chức trách nhận được thông báo bởi các sáng lập viên rằng hội đã được lập ra. Tại hầu hết các quốc gia, việc thông báo này được thực hiện bằng văn bản, bao gồm một số nội dung thông tin mà luật yêu cầu rõ ràng, nhưng đây không phải là điều kiện cho việc hiện diện một hội. Văn bản này cơ bản là một thông báo để các cơ quan thống kê có thông tin về hội. Hệ thống thông báo này đang hoạt động tại ở nhiều quốc gia (Djibouti, Maroc, Bồ Đào Nha, Senegal, Thụy Sỹ, Urugoay...) (theo Báo cáo viên đặc biệt về tự do hội họp và lập hội Maina Kiai (Báo cáo về năm hoạt động đầu tiên 1/5/2011 – 30/4/2012, A/HCR/20/27, đoạn 58.).
Cả hai thủ tục thông báo và thủ tục cấp phép đều đòi hỏi sự nhanh chóng. Việc chậm trễ đăng ký, cấp phép cho một hội có thể coi là sự vi phạm quyền lập hội. Mặt khác, nếu từ chối đơn xin thành lập hội thì phải nêu rõ lý do và thông báo một cách rõ ràng cho chủ thể đứng đơn thành lập. Những cá nhân, tổ chức bị từ chối có quyền được khiếu nại, khiếu kiện ra trước một tòa án độc lập và không thiên vị. Ủy ban về tự do lập hội (Freedom of Association Committee) của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) đã có phán quyết rằng: “việc không thể đưa ra trước cơ quan tư pháp để xem xét sự từ chối bởi cơ quan Bộ cho phép thành lập một công đoàn là vi phạm các nguyên tắc tự do lập hội.”
Đồng thời với việc thành lập, các cá nhân có quyền gia nhập và rút lui (ra khỏi, rời bỏ) các hội. Tương tự, các hội có quyền ngưng hoạt động và tự giải tán hội. Việc các cơ quan nhà nước ngưng hoạt động và giải tán hội phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của luật.
Quyền hoạt động tự do và được bảo vệ khỏi sự can thiệp vô lý
Quyền hoạt động tự do của các hội tương ứng với nghĩa vụ của chính quyền trong việc tôn trọng, thực thi và bảo vệ quyền này. Nhà nước có nghĩa vụ thực thi các biện pháp chủ động và thụ động đối với quyền lập hội của người dân.
Ở mức tối thiểu, nhà nước phải kiềm chế không được can thiệp vào các hoạt động bình thường của hội. Trước hết, quy chế, điều lệ của các hội được tự quyết bởi các thành viên mà không có sự can thiệp của nhà nước. Quyền riêng tư của các hội cũng cần được bảo đảm, các cơ quan nhà nước không được thay đổi việc bầu chọn ban lãnh đạo của các hội, cử người của mình vào ban lãnh đạo hội, yêu cầu các hội nộp kế hoạch hoạt động hàng năm (Báo cáo của Maina Kiai, đoạn 65).
Trong hoạt động của mình, các nguồn lực về tài chính, nhân sự có vai trò đặc biệt đối với các hội. Các khuyến nghị của LHQ đều hướng đến hạn chế các thủ tục rắc rối, mất thời gian để nhận tài trợ. Tự do hội họp, triển khai các dự án, hoạt động tại các địa bàn khác nhau cũng là thành tố quan trọng của tự do lập hội.
Ở mức độ tích cực, nhiều quốc gia có các biện pháp hỗ trợ cho việc thành lập các hội thông qua các biện pháp như cung cấp địa điểm mở văn phòng, tài trợ tài chính trong giai đoạn đầu hoạt động... Nghĩa vụ chủ động đòi hỏi các nhà nước phải tạo dựng một môi trường thuận lợi, bình đẳng cho hoạt động của các hội đoàn. Các cá nhân thực thi quyền lập hội không phải sợ trở thành nạn nhân của dọa nạt, bôi nhọ, bắt bớ tùy tiện, đối xử vô nhân đạo hoặc hạn chế quyền đi lại...
Bài tiếp theo: Pháp luật một số quốc gia về lập hội