
Đối với các quốc gia dân chủ, điều này rất dễ hiểu, vì Tổ quốc và nhân dân thì trường tồn, còn các đảng phái chính trị thì thay đổi theo lịch sử. Trong bối cảnh đó, nếu quy định quân đội/lực lượng vũ trang phải trung thành với một đảng phái chính trị nào đó thì sẽ phải giải tán những lực lượng này khi đảng phái ấy không còn nắm giữ được quyền lực lãnh đạo xã hội (điều mà rất thường thấy sau mỗi đợt bầu cử). Thêm vào đó, điều này dẫn đến những nguy cơ lớn cho xã hội, vì đảng chính trị có thể sử dụng lực lượng vũ trang để đàn áp nhân dân nhằm cố giữ quyền lãnh đạo xã hội của mình bằng mọi giá.
Hiến pháp hiện hành của các nước XHCH còn lại trên thế giới cũng không quy định quân đội/lực lượng vũ trang phải trung thành với đảng. Cụ thể, Hiến pháp Cu ba năm 1976 (sửa đổi các năm 1978,1992,2002) không có điều nào đề cập đến lực lượng vũ trang. Hiến pháp CHDCND Lào năm 2003 chỉ quy định lực lượng vũ trang trung thành với dân tộc. Hiến pháp Trung Quốc năm 1982 (sửa đổi, bổ sung năm 2004) quy định rõ lực lượng vũ trang thuộc về nhân dân mà không đề cập gì đến Đảng. Hiến pháp CHDCND Triều Tiên năm 2009, phù hợp với chính sách "Shogun" (ưu tiên quân đội và vấn đề quân sự), dành đến ba điều nói về lực lượng vũ trang nhưng cũng không quy định quân đội phải trung thành với Đảng.
Tất cả các bản Hiến pháp được thông qua ở Việt Nam từ trước đến nay, kể cả hai bản Hiến pháp 1956,1967 ở miền Nam trước đây, cũng đều không quy định quân đội phải trung thành với một đảng chính trị nào. Tuy nhiên, Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2013 đã bổ sung Điều 45 Hiến pháp 1992 (thành Điều 70 Dự thảo) một đoạn nêu rõ, “lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân …”. Đây là một trong những quy định gây tranh luận nhiều nhất trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi.
Xét từ những phân tích kể trên, có thể thấy cần giữ nguyên Điều 45 Hiến pháp hiện hành, bởi nếu sửa như Điều 70 Dự thảo sẽ biến hiến pháp mới của Việt Nam trở thành một “đặc thù” không có ở đâu trên thế giới.