Cho đến nay, có nhiều định nghĩa về XHDS được các nhà khoa học, viện nghiên cứu, Trung tâm xã hội công dân đưa ra, và trên cơ sở nghiên cứu các định nghĩa trên chúng tôi thấy rằng XHDS bao gồm mọi nhóm và mọi hoạt động không bị "ràng buộc" bởi chính quyền: tổ chức chính trị, các hội kinh doanh, các tổ chức tôn giáo, hiệp hội truyền thông, tổ chức từ thiện, công dân, tổ chức phi Chính phủ... Tất cả các tổ chức và các chủ thể này đều góp phần giúp phát triển đặc tính đa nguyên của xã hội và ảnh hưởng đến quan hệ của xã hội và chính quyền. XHDS như là một bổ khuyết cho "dân chủ đại diện" thông qua cơ chế "dân chủ tham gia".

Ảnh: Luật về hội sẽ giúp các thành viên biểu thị ý chí tập thể tốt hơn và hiệu quả hơn (nguồn: internet)
Ảnh: Luật về hội sẽ giúp các thành viên biểu thị ý chí tập thể tốt hơn và hiệu quả hơn (nguồn: internet)


Những e ngại về XHDS với hoạt động chính trị?

Việc e ngại XHDS là một thực tế ở Việt Nam hiện nay. Điều này có nguyên nhân sâu xa từ nhận thức về chính trị, hoạt động chính trị và thực hiện quyền lực chính trị. Vậy những e ngại chính là gì?

Trước hết, thực chất các tổ chức hội, tổ chức phi chính phủ trong XHDS là những nhóm lợi ích, sinh ra để đại diện cho tiếng nói của hội viên, gửi tiếng nói, kiến nghị đến chính quyền. Chính vì vậy, hoạt động của họ cũng có tính chính trị và đôi khi bị xem là “gây ra áp lực đối với chính quyền trong việc giải quyết quá nhiều vấn đề của xã hội”. Hơn nữa, các tổ chức hội cũng có tính tự quản nhất định. Vì vậy, có ý kiến e ngại các thế lực bên ngoài sẽ tác động đến tổ chức XHDS gây áp lực quá mức đối với nhà nước. Thực tế, điều đó cho thấy càng cần có Luật về hội để có thể có những quy phạm nhất định kiểm soát hoạt động của các tổ chức XHDS. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, cho dù lập hội là quyền tự do của công dân nhưng nó vẫn phải hoạt động trong một khuôn khổ nhất định, không thể tồn tại trong một xã hội hoàn toàn không có sự quản lý của Nhà nước.

Mặt khác, nhiều quan điểm e ngại XHDS vì sợ ảnh hưởng đến sự cầm quyền của Đảng. Tuy nhiên, e ngại này thực sự không có căn cứ vì bản chất các tổ chức XHDS (các hội, tổ chức phi Chính phủ…) không thành lập Đảng phái, nên sẽ không có câu chuyện giành chính quyền, cầm quyền, lãnh đạo xã hội. Hoạt động này vốn dĩ chỉ dành cho các Đảng phái, trong khi đó các tổ chức XHDS chỉ hoạt động vì lợi ích của một hoặc vài nhóm công dân nào đó. Từ đó có thể thấy, mặc dù hoạt động của các tổ chức XHDS có tính chính trị nhưng không phải là thực hiện quyền lực chính trị, không vì mục đích giành chính chính quyền, lãnh đạo xã hội. Chính vì vậy, ở đây cần có sự phân biệt giữa hoạt động chính trị và thực hiện quyền lực chính trị.

Một điểm nữa cũng cần quan tâm là hoạt động của các tổ chức XHDS được tổ chức nhằm lên tiếng, tạo diễn đàn, cổ vũ cho một giá trị, một khuynh hướng, chính sách nào đó. Vì vậy, hoạt động của XHDS cũng ảnh hưởng, tác động đến chính trị, quyền lực chính trị (vấn đề quyền lực, hệ tư tưởng, đường lối, cán bộ…). Đây cũng là một lý do để nhiều người e ngại XHDS, sợ rằng sự tác động này là quá mức, nên không muốn tạo điều kiện để cho các tổ chức XHDS phát triển.

Ở một góc độ khác, trên thực tế, một vài tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp đơn thuần có xu hướng “chính trị hóa”, gắn thêm tính chất chính trị, chính trị – xã hội để có thể trở thành thành tố của hệ thống chính trị, mặc dù, về bản chất, các tổ chức đó thuộc về XHDS, chỉ phục vụ mục đích dân sinh và dựa trên các liên kết không mang tính chính trị, không liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến thực hiện quyền lực chính trị. Chính điều này là một nguyên nhân dẫn đến sự nhìn nhận không thiện cảm, e ngại, kiêng kỵ đối với XHDS - một trong ba trụ cột phát triển của xã hội dân chủ hiện đại cùng với kinh tế thị trường và Nhà nước pháp quyền. Cho đến nay, các nghiên cứu lý luận và thực tiễn về XHDS trong điều kiện Việt Nam vẫn bị coi là vấn đề mang tính nhạy cảm, chưa được thừa nhận như những luận cứ về một xu hướng khách quan tất yếu trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Các tổ chức chính trị - xã hội (MTTQ VN và các thành viên) của Việt Nam thực ra đã được sinh ra cùng/trước với chính quyền, từ trước đến nay vẫn gắn bó với chính quyền (có tính lịch sử nhất định). Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng không thể đối xử những cơ quan này như một hội bình thường mà phải có sự khác biệt. Ngược lại, những người ủng hộ XHDS cho rằng những tổ chức này phải là hội, một thành tố quan trọng của XHDS. Vấn đề này, theo chúng tôi cần tiếp tục được bàn luận và thống nhất trong thời gian tới khi xây dựng Luật liên quan đến hội. Tuy nhiên, có một vấn đề cần phải thừa nhận đó là, cho dù các tổ chính trị - xã hội hiện nay thời gian tới không được xếp vào đối tượng điều chỉnh của Luật về hội thì các công dân vẫn có quyền thành lập các tổ chức hội có tính chất như công đoàn, đoàn thanh niên… nếu đáp ứng đủ điều kiện luật định.

Cần làm gì để “bình thường hóa” mối quan hệ giữa tổ chức XHDS và hoạt động chính trị?

Có thể nhận thấy, quá trình dân chủ hóa đều gắn liền với sự hình thành và phát triển của XHDS lành mạnh, và theo chúng tôi, đó là bản chất của dân chủ. Dân chủ, trước hết quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, và quá trình dân chủ hóa về bản chất là quá trình quyền lực chuyển dần từ nhà nước sang tay nhân dân. Một XHDS tồn tại không những không loại trừ sự tồn tại của nhà nước mà ngược lại, sự có mặt của một nhà nước là rất cần thiết để điều hành, bảo đảm cho XHDS tồn tại và phát triển. XHDS văn minh rất cần một nhà nước ổn định, vững chắc. Dưới đây, chúng tôi khuyến nghị một số vấn đề nhằm góp phần tạo điều kiện ghi nhận, minh bạch hóa hoạt động của các tổ chức XHDS.

Thứ nhất, cần có sự khẳng định rõ ràng hơn vấn đề tự do lập hội và vai trò của XHDS trong các văn kiện của Đảng. Trước đây, Nghị quyết 8B-NQ/HNTW (khoá VI) Đảng đã nêu rõ: "trong giai đoạn mới cần thành lập các hội đáp ứng nhu cầu chính đáng về nghề nghiệp và đời sống nhân dân, hoạt động theo hướng ích nước lợi nhà, tương thân tương ái. Các tổ chức này được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản và tự trang trải về tài chính trong khuôn khổ pháp luật"; Nghị quyết Đại hội Đảng IX tiếp tục khẳng định: "mở rộng và đa dạng hoá các hình thức tập hợp nhân dân tham gia các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, các hội nghề nghiệp, văn hoá, hữu nghị, từ thiện, nhân đạo" và "hỗ trợ và khuyến khích các hoạt động không vì lợi nhuận mà vì nhu cầu và lợi ích của nhân dân. Những tổ chức này được nhà nước uỷ quyền thực hiện một số nhiệm vụ cung ứng một số dịch vụ công với sự giám sát của cộng đồng. Thông qua đó nhà nước có thể tập trung sức lực để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng hơn". Mặc dù những Nghị quyết này đã có nhắc đến “hội”, “hỗ trợ, khuyến khích hội…” nhưng vẫn chưa đề cập đầy đủ đến vấn đề tự do lập hội (theo khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật) – làm cơ sở nền tảng cho các tổ chức XHDS. Hơn nữa, vai trò của XHDS cũng còn vắng bóng trong các văn kiện chính thức. Nếu thừa nhận XHDS là một trong ba trụ cột của xã hội dân chủ hiện đại thì rất cần khẳng định vai trò của nó trong các văn kiện chính thức.

Thứ hai, cần nhanh chóng ban hành Luật về quyền lập hội . Luật này sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc định hình XHDS. Cùng với quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền tự do hội họp, quyền biểu tình, thì quyền tự do lập hội là những quyền tự do chính trị cơ bản của con người, không những trong các văn kiện quốc tế, mà trong các bản Hiến pháp nước ta đều trịnh trọng qui định . Những quyền này, suy cho cùng là để đảm bảo vai trò của mỗi cá nhân trong xã hội. Mỗi cá nhân đều có quyền thể hiện những điều mà mình nghĩ, có quyền liên kết tự do và độc lập giữa người dân với nhau quanh từng vấn đề xã hội, tôn giáo, chính trị, văn hóa. Tuy nhiên, mỗi cá nhân, nếu chỉ là những cá nhân đơn độc, bị xé lẻ, bị cô lập thì sự ảnh hưởng, tác động của họ đối với Nhà nước khó có thể có hiệu quả và họ cũng không thể tự làm chủ xã hội, nếu chỉ bằng sự nỗ lực "đơn lẻ" của từng cá nhân. Thông qua quyền lập hội, các tổ chức xã hội được thành lập và đó là tiếng nói của những người dân được tập hợp lại với nhau để tạo thành một sức mạnh, cùng Nhà nước thực hiện những mục tiêu của hệ thống chính trị, để kiểm soát Nhà nước, để bảo vệ mình, để chống lại những tiêu cực trong xã hội như tham nhũng, nhũng nhiễu, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; để tự mình giải quyết những công việc mà không cần thông qua nhà nước…

Cần phải tôn trọng tính "xã hội" của các tổ chức XHDS này. Từ những năm 90 của thế kỷ XX, Việt Nam đã tiến hành soạn thảo Luật về Hội. Đến năm 2006 dự án Luật này không được thông qua vì còn có nhiều quan điểm khác nhau, chưa thực sự đồng thuận, còn nhiều vấn đề được xem là nhạy cảm. Đến nay, Luật này tiếp tục được đưa vào Chương trình xây dựng Luật năm 2015. Tuy nhiên, theo chúng tôi tên gọi Luật về hội vẫn chưa nêu bật lên được tính xã hội của của các hội và với tên gọi như vậy thì Luật này vẫn hàm chứa việc nhà nước sẽ quản lý và điều phối hoạt động của hội. Do đó, Luật này nên giữ tên gọi theo Luật 102/SL, của Chủ tịch nước ngày 20/5/1957 đó là Luật về quyền lập hội, để làm sao nêu bật lên được quyền và sự tự chủ của người dân khi tham gia vào việc lập, quản lý hoạt động của hội. Tương tự như vậy, nội dung của nó phải theo hướng tạo điều kiện, thúc đẩy quyền được lập hội của công dân, và tạo điều kiện cho các hoạt động của hội được độc lập, tự chủ và không nên thiết lập các quy định mang tính hành chính nhà nước cho các hoạt động thành lập, tổ chức và hoạt động của các tổ chức dân sự.

Với dự án Luật này, cần làm rõ một số vấn đề như: có điều chỉnh các tổ chức phi chính phủ hay không? Các tổ chức chính trị - xã hội hiện nay (MTTQ và các tổ chức thành viên) có nên được xem là tổ chức hội của XHDS, thoát ly tính chính trị hay không? Tính tự quản của tổ chức hội được hiểu như thế nào? Vai trò quản lý NN đối với Hội nên được quy định ra sao?

Thứ ba, một việc làm không kém phần quan trọng là phải ban hành Luật về quyền tiếp cận thông tin của người dân. Để công dân đúng là người làm chủ nhà nước, làm chủ xã hội; để các tổ chức XHDS phản biện về chủ trương, chính sách, đề án; để chức năng "giám sát xã hội" đối với Đảng, Nhà nước có hiệu quả; nếu chúng ta thực tâm muốn chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch, cửa quyền… thì không thể không thực hiện việc thông tin cho xã hội, cho công dân. Đó phải là trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan nhà nước. Nếu không như vậy, mục tiêu dân chủ là không khả thi, hoặc là chế độ dân chủ chưa phải là thực chất, chưa đúng với nghĩa của nó.

Một vấn đề chúng ta cần nhìn nhận một cách thẳng thắn trong xu thế dân chủ hóa hiện nay, đó là việc cần xác định lại mối quan hệ giữa Nhà nước và xã hội theo phương châm: những gì mà xã hội làm được, hoặc làm tốt hơn Nhà nước, thì nên để cho xã hội làm. Thực ra, đây không phải là vấn đề mới mẻ, mà là cái chúng ta đang và đã làm, thường diễn tả bằng cụm từ "xã hội hóa". Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng cần nhìn nhận vấn đề này một cách toàn diện hơn, sâu sắc hơn, chứ không nên mang tính "nhỏ lẻ", "manh mún" như hiện nay. Trong bối cảnh đó, việc xem xét nâng cao vai trò, hoạt động của các tổ chức XHDS là rất cần thiết, tránh làm ”nhạy cảm hóa” hoạt động của các tổ chức này. Suy cho cùng, vẫn rất khó phân biệt được đâu là chính trị, đâu là phi chính trị. Điều này vốn cũng không quan trọng bởi tổ chức XHDS không thực hiện quyền lực chính trị và hoạt động của Nhà nước hay các tổ chức XHDS đều hướng đến những mục tiêu, lợi ích chung nhất định. Những sắc màu chính trị trong các hoạt động này cần được tôn trọng, bảo đảm nếu nó chính đáng/.