
Sự kiện này đặt ra một số vấn đề mới cho việc bảo vệ công dân Việt Nam nói chung và quyền của người LGBT nói riêng bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Thứ nhất, việc thông tin về luật pháp và văn hóa của nước sở tại cho công dân Việt Nam đi du lịch, công tác hoặc đầu tư rất quan trọng. Điều này giúp cho công dân Việt Nam biết được những khác biệt của nước sở tại để có cách hành xử phù hợp. Việt Nam có câu tục ngữ “nhập gia tùy tục” nhưng rất nhiều người Việt Nam không để ý điều đó khi ra nước ngoài, và nhẹ thì gây ra cảm xúc khó chịu cho dân nước sở tại, nặng thì vi phạm pháp luật và bị bỏ tù. Trong trường hợp này, Nhà nước Việt Nam không can thiệp vào quan hệ cùng giới nhưng trên thế giới vẫn còn khoảng 81 quốc gia hình sự hóa quan hệ đồng tính, có nước thậm chí tử hình. Các công ty du lịch, xuất khẩu lao động, hoặc đầu tư nước ngoài cần nắm rõ thông tin này đề cảnh báo cho khách hàng cũng như nhân viên của mình.
Thứ hai, khi công dân Việt Nam bị bắt ở nước ngoài thì việc bảo vệ họ phải được đặt lên hàng đầu, trong trường hợp này là đưa công dân Việt Nam về nước. Có nhiều cách tiếp cận khác nhau, ví dụ như lên án mạnh mẽ Burundi vì có một bộ luật vi phạm quyền bình đẳng, bỏ tù hoặc xử phạt một người chỉ vì họ là họ. Điều này có thể chính đáng nhưng chưa chắc đã có hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh một loạt các nước châu Phi phản đối sự can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ của họ, và thông qua những bộ luật bất công và hà khắc trong việc bỏ tù người đồng tính. Rất có thể việc gây sức ép quốc tế với Burundi làm nước này càng giương cao ngọn cờ chủ quyền quốc gia và phạt công dân Việt Nam mức án cao nhất để “răn đe”. Chính vì vậy, các cơ quan chính phủ và tổ chức phi chính phủ cần thận trọng trong việc đàm phán để đưa công dân Việt Nam về nước.
Thứ ba, trách nhiệm bảo vệ công dân Việt Nam ở nước ngoài là một điều quan trọng và thiêng liêng thuộc về nhà nước. Nhà nước phải dùng mọi kênh ngoại giao, nguồn lực sẵn có để làm việc với chính phủ Burundi trong việc bảo vệ quyền con người của công dân Việt Nam. Điều quan trọng, chính phủ phải được giám sát trong việc thực thi nghĩa vụ của mình bằng chính người dân, truyền thông, và đặc biệt là các tổ chức phi chính phủ bảo vệ quyền con người.
Đây là lần đầu tiên một công dân Việt Nam bị bắt vì “phạm tội” quan hệ đồng tính, một tội không tồn tại ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Về lâu dài, Việt Nam cần tích cực tham gia vào việc vận động bỏ việc xử tội những người có quan hệ đồng tính ở mức khu vực và trên thế giới. Trong tuần này, Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc sẽ bỏ phiếu cho một nghị quyết về “xu hướng tính dục và bản dạng giới” trong kỳ họp 27 ở Geneva với nội dung kêu gọi đối thoại và xóa bỏ phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính và chuyển giới. Với tư cách là một thành viên của Hội đồng nhân quyền, đặc biệt với những tiến bộ gần đây ở trong nước, Việt Nam cần lên tiếng ủng hộ cho Nghị quyết. Đây cũng là một nỗ lực cụ thể, tiếp tục khẳng định quan điểm của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới.