Hiện nay, khi nhắc về phong trào LGBT tại Việt Nam hiện nay người ta thường đề cập đến quyền được mưu cầu hạnh phúc, quyền được kết hôn, quyền nhận con nuôi v.v… Tuy nhiên, dường như chúng ta đã quên mất một cái quyền khá quan trọng đối với cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới, đó chính là quyền sức khỏe.

Ảnh: Định kiến và kỳ thị ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người đồng tính (nguồn: internet)
Ảnh: Định kiến và kỳ thị ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người đồng tính (nguồn: internet)


Quyền sức khỏe là gì?

Quyền sức khỏe là quyền được tiếp cận các dịch vụ y tế một cách bình đẳng và không bị kỳ thị, phân biệt đối xử. Nói chi tiết hơn, quyền sức khỏe của LGBT hay MSM (nam có quan hệ tình dục với nam) còn liên quan trực tiếp đến vấn đề HIV/AIDS và STIs (các căn bệnh lây lan qua đường tình dục).

Vấn đề về STIs hay HIV/ADIS đối với cộng đồng người đồng tính nam, người song tính, người chuyển giới nữ và người dị tính có hành vi tình dục đồng giới không phải là một vấn đề quá mới. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của phong trào LGBT, đặc biệt là ở mảng quyền dân sự (civil rights) lại khiến cho quyền tình dục của cộng đồng GBT/MSM bị lu mờ. Thậm chí khi nhắc đến LGBT thì chẳng mấy ai lại nghĩ đến vấn đề HIV/AIDS hay STIs dù cho tỉ lệ người nhiễm HIV ở nhóm MSM rất cao.

Trong các báo cáo của Hội nghị Quốc tế về AIDS (International AIDS Conference) tại Melbourne 2014, rất nhiều nhà nghiên cứu đều đưa ra cảnh báo về tỉ lệ lây nhiễm HIV qua tình dục đồng giới đang và sẽ chiếm đa số các ca lây nhiễm trong tương lai. Đặc biệt, hai tổ chức làm về quyền sức khỏe cho cộng đồng MSM tại Việt Nam là CARMAH và FHI360 cũng đưa ra các khuyến cáo đáng lo ngại về tỉ lệ các ca lây nhiễm HIV mới đang có xu hướng ‘trẻ’ hóa.

Liệu chăng chúng ta đã ‘bỏ rơi’ quyền sức khỏe của người LGBT trong con đường đấu tranh cho quyền bình đẳng trong những năm vừa qua? Liệu chăng chúng ta đã quá tập trung vào quyền về mặt luật pháp mà vô tình quên mất quyền sức khỏe của họ?

Quyền sức khỏe và Quyền dân sự

Kinh nghiệm chia sẻ từ Hội nghị Quốc tế về AIDS 2014, nhiều quốc gia đã có sự kết hợp khéo léo giữa Quyền sức khỏe và Quyền dân sự trong phong trào LGBT. Cả hai mặt này tương hỗ cho nhau trong con đường tìm kiếm bình đẳng xã hội.

Nếu chỉ tập trung vào Quyền sức khỏe trong khi Quyền dân sự bị hạ thấp, cộng đồng bị kỳ thị, chối bỏ thì các nỗ lực giảm thiểu lây nhiễm HIV/STIs cũng như hướng đến cuộc sống khỏe mạnh cũng sẽ không có kết quả. Hoặc nếu chỉ chú ý vào Quyền dân sự mà không coi trọng Quyền sức khỏe thì cộng đồng LGBT cũng sẽ thiếu đi kỹ năng bảo vệ bản thân, kỹ năng có cuộc sống tình dục an toàn, tránh các nguy cơ lây nhiễm ngoài ý muốn. Việc kết hợp cả hai yếu tố trên sẽ góp phần đem đến một cộng đồng LGBT/MSM sống tích cực hơn, có kỹ năng bảo vệ bản thân cũng như sẽ ít phải đối mặt với những kỳ thị định kiến trong xã hội.

Hiện tại, các tổ chức làm về quyền cho người LGBT và các tổ chức làm về sức khỏe cho MSM vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong các hoạt động tại Việt Nam. Nhưng các tổ chức làm về quyền vẫn mong muốn cộng đồng LGBT có thêm kiến thức về sức khỏe để có cuộc sống khỏe mạnh (well-being) còn các tổ chức làm về sức khỏe vẫn mong muốn người MSM sẽ không còn bị kỳ thị dẫn đến e ngại trong việc tiếp cận các biện pháp dự phòng.

Vai trò của các Tổ chức Xã hội Dân sự (XHDS)

Vậy câu hỏi được đặt ra là: Sẽ phải làm gì để dung hòa cả hai yếu tố kể trên để tạo ra một cộng đồng bình đẳng và khỏe mạnh?

Ở các nước phát triển, cụ thể là Úc, họ đã khéo léo kết hợp hoạt động của các Tổ chức XHDS lại với nhau, đặc biệt là các Tổ chức làm về quyền con người và Tổ chức làm về sức khỏe để cùng nhau hoạt động vì mục đích chung. Những Tổ chức làm về quyền thường có mối quan hệ lớn với giới truyền thông, vì thế các chương trình của họ thường có độ phủ sóng đến với cộng đồng, xã hội cao hơn so với các tổ chức làm về sức khỏe. Trường hợp này tương tự như Việt Nam hiện nay. Trong khi đó, các tổ chức hoạt động quyền sức khỏe lại có thế mạnh về kiến thức và kỹ năng. Điển hình là tại Hội nghị Quốc tế về AIDS 2014, có rất nhiều phiên thảo luận, các buổi tham luận đề cập đến vấn đề quyền con người và việc chống lại sự kỳ thị, định kiến.

Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi hướng đi của các quốc gia trên trong việc kết hợp thế mạnh của hai nhóm tổ chức đã nêu. Ở đây cần phải nhấn mạnh đến việc ‘hợp tác’ hơn là ‘việc ai người nấy làm’. Bởi lẽ khi nhắc đến quyền con người nói chung, và quyền LGBT nói riêng thì quyền về sức khỏe sẽ không phải là một yếu tố riêng rẽ mà nó nằm trong tập hợp các quyền mà người LGBT/MSM xứng đáng được hưởng. Vì vậy, trong thời gian sắp tới, vai trò của các Tổ chức XHDS sẽ là rất quan trọng trong việc định hướng con đường, tiến trình LGBT tại Việt Nam.