
Về cơ bản, Nghị quyết kêu gọi cập nhật Báo cáo về bạo lực và phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính và chuyển giới (A/HRC/19/41) nhằm chia sẻ kinh nghiệm và phương cách vượt qua bạo lực và phân biệt đối xử. Nghị quyết được thông qua đảm bảo chủ đề về quyền của người LGBT tiếp tục có mặt trong nghị trình làm việc của Hội đồng nhân quyền, và gửi một thông điệp ủng hộ mạnh mẽ đến những nạn nhân của bạo lực cũng như những cá nhân và tổ chức bảo vệ quyền của họ.
Nghị quyết được chuẩn bị và bảo trợ bởi 4 nước Nam Mỹ là Brasil, Chile, Colombia và Uruguay, và được đồng bảo trợ bởi 42 quốc gia khác. Tuy nhiên để được thông qua, nghị quyết phải đạt được đa số ủng hộ của 46 thành viên Hội đồng nhân quyền.
Nghị quyết này được trình trong bối cảnh có những tiến bộ về bảo vệ quyền của người LGBT ở Mỹ, Việt Nam, Nam Mỹ, nhưng đồng thời có những bước lùi nghiêm trọng ở châu Phi, Nga và các nước Ả Rập. Trong những năm qua, một loạt nước châu Phi thông qua các đạo luật hà khắc, bao gồm cả hình thức tử hình, tù chung thân cho những người có quan hệ cùng giới. Chính vì vậy, ý nghĩa của việc Nghị quyết được thông qua càng to lớn.
Để phản đối Nghị quyết, các nước chống đứng đầu là Ai Cập và các quốc gia thuộc Liên minh tổ chức hồi giáo đã giới thiệu 7 kiến nghị sửa đổi khác nhau với mục đích loại bỏ xu hướng tính dục và bản dạng giới ra khỏi nghị quyết. Trong phát biểu của mình, đại diện Pakistan cho rằng “việc sử dụng nghĩa rộng của từ ‘xu hướng tính dục’ có thể mang nghĩa hủy diệt, gây hại cho đạo Hồi…và cho giới trẻ của chúng tôi”. Đại diện của Saudi Arabia thì cho rằng bản thân Nghị quyết là một “sự vi phạm nhân quyền”. Các quốc gia này lập luận thay vì tập trung vào xu hướng tính dục và bản dạng giới, Nghị quyết cần quy định xóa bỏ phân biệt đối xử và bạo lực với mọi khác biệt từ sắc tộc, tôn giáo, chủng tộc, ngôn ngữ, hoàn cảnh xuất thân, quan điểm chính trị, quốc tịch và các tình trạng khác. Nếu chấp nhận thay đổi này đồng nghĩa biến Nghị quyết thành một Nghị quyết chung chung, vô nghĩa với LGBT, và thực chất là để “giết” Nghị quyết ban đầu bảo vệ quyền của LGBT.
Trong phát biểu của mình khi trình Nghị quyết, Chile đã khẳng định “Nghị quyết này không nhằm mục đích tạo ra quyền mới…Có những người mà quyền của họ bị vi phạm nhiều hơn và do đó cần có sự bảo vệ nhiều hơn”. Chile, các nước Nam Mỹ, châu Âu và Hoa Kỳ dẫn đầu phe ủng hộ cho Nghị quyết.
Để quyết định Nghị quyết có được bỏ phiếu nguyên trạng là bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới hay không, các thành viên Hội đồng nhân quyền phải bỏ phiếu cho từng khuyến nghị thay đổi, trong đó có cả những kiến nghị phủ nhận xu hướng tính dục và bản dạng giới. Trong các lần bỏ phiếu này, Việt Nam bỏ phiếu thuận hoặc phiếu trắng. Điều này càng làm gia tăng sự nghi ngại là Việt Nam có thể bỏ phiếu trắng, thậm chí trong trường hợp xấu hơn là phủ quyết Nghị quyết.
Tuy nhiên, Việt Nam đã bỏ phiếu thuận, củng cố quan điểm của mình trong việc bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới trong thời gian qua. Đây là một bước dài tiếp tục việc bỏ điều cấm trong Luật hôn nhân và gia đình, bỏ điều phạt hôn nhân cùng giới, và gần đây nhất là chấp nhận khuyến nghị của Chile xây dựng một luật chống mọi hình thức phân biệt đối xử bao gồm cả xu hướng tính dục và bản dạng giới trong kỳ kiểm định nhân quyền UPR 2014.
Cộng đồng LGBT Việt Nam cũng như các cá nhân và tổ chức bảo vệ quyền con người có quyền tự hào về bước tiến này của Việt Nam. Việt Nam đã đứng về lẽ phải trong việc bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới cùng các nước như Áo, Chile, Pháp, Đức, Séc, Nhật Bản, Ireland, Nam Phi, Anh, Mỹ và Hàn Quốc. Đây chính là thành quả của sự vận động không mệt mỏi trong những năm qua.
Các nước ủng hộ: Argentina, Áo, Brazil, Chile, Costa Rica, Cuba, Séc, Estonia, Pháp, Đức, Ireland, Ý, Nhật Bản, Mexico, Montenegro, Peru, Philippines, Hàn Quốc, Romania, Nam Phi, Macedonia, Anh, Mỹ, Venezuela, Việt Nam.
Các nước phản đối: Algeria, Botwana, Bờ Biển Ngà, Ethiopia, Gabon, Indonesia, Kenya, Kuwait, Maldives, morocco, Pakistan, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc ả rập, Nga.
Các nước bỏ phiếu trắng: Burkina Faso, Trung Quốc, Congo, Kazakhstan, Namibia, Sierra Leone, Ấn Độ.
Vắng mặt: Benin.