Các tổ chức phòng chống HIV kêu gọi thực hành ba giải pháp để ngăn chặn việc lây nhiễm HIV trong cộng đồng người đồng tính và song tính nam. Một là khuyến khích xét nghiệm. Hai là khuyến khích quan hệ tình dục an toàn (sử dụng bao cao su). Ba là điều trị ARV cho bệnh nhân có HIV. Hai giải pháp sau là hợp lý, tuy nhiên giải pháp đầu tiên cần phải xem xét lại tính hiệu quả, đặc biệt khi các dự án đổ khá nhiều tiền để đạt mục đích tăng số người đi xét nghiệm.

Ảnh: xét nghiệm HIV là cần thiết nhưng khó khăn với nhiều người (Nguồn: internet)
Ảnh: xét nghiệm HIV là cần thiết nhưng khó khăn với nhiều người (Nguồn: internet)


Các tổ chức này cho rằng việc đi xét nghiệm để biết tình trạng của mình là điều dễ hiểu và thậm chí không cần phải tranh luận. Giả thiết của việc này là bạn có thể không biết mình đã nhiễm HIV. Nếu bạn không biết mình đã nhiễm HIV thì bạn không sử dụng thuốc điều trị. Nếu bạn quan hệ tình dục không an toàn trong giai đoạn này bạn có thể vô tình lây nhiễm HIV cho người khác.

Tuy nhiên, các mệnh đề “nếu” liên quan đến việc xét nghiệm tình trạng HIV có thể làm chúng ta hiểu nhầm về khái niệm “an toàn” trong quan hệ tình dục. Con đường gần như duy nhất để ngăn chặn việc lây nhiễm HIV là đeo bao cao su khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc âm đạo. Bản thân việc xét nghiệm không ngăn cản sự lây nhiễm vi rút HIV. Ngược lại, nó có thể tạo ra các hành vi nguy cơ kèm theo.

Thứ nhất, khi khái niệm “an toàn” được mở rộng ra khỏi việc “đeo bao cao su” bao gồm việc xét nghiệm thường xuyên, cũng giống như các khuyến nghị “không nên quan hệ tình dục với nhiều bạn tình”, “chung thủy với một bạn tình suốt đời”, hoặc “không quan hệ tình dục”, thông điệp quan trọng nhất “đeo bao cao su khi quan hệ tình dục” bị làm loãng đi. Các khuyến nghị “an toàn” này thường không có tính khả thi. Ngay ở Mỹ cũng có khoảng 80% người đồng tính và song tính nam có HIV không biết tình trạng của mình vì họ không xét nghiệm. Số người không quan hệ tình dục hoặc chỉ quan hệ với một người không phải là nhiều.

Thứ hai, nhiều người xét nghiệm để chứng minh tình trạng âm tính của mình để quan hệ tình dục không bao cao su. Quan hệ không bao cao su giữa những người “âm tính” vẫn có nguy cơ vì giai đoạn cửa sổ, hoặc vì sự che dấu thông tin có HIV của bạn tình. Bên cạnh đó, ngoài HIV vẫn có các bệnh lây qua đường tình dục khác như Giang mai rất nguy hiểm. Chính vì vậy, xét nghiệm vô tình lại khuyến khích hành vi quan hệ tình dục không an toàn, tăng nguy cơ lây nhiễm.

Thứ ba, việc khuyến khích xét nghiệm và công bố kết quả (âm tính) của mình vô hình chung chia cộng đồng thành những nhóm khác nhau. Những người có kết quả âm tính coi mình là “trong sạch” và đẩy những người có HIV vào thế bị cô lập, thấp kém. Điều này làm những người có HIV phải che dấu tình trạng của mình để không bị cộng đồng ruồng bỏ, hoặc dẫn đến tình trạng “trả thù đời” vì tuyệt vọng.

Như vậy, xét nghiệm để biết tình trạng của mình là cần thiết về mặt lý thuyết, nhưng việc các dự án đổ tiền vào cho mạng lưới cộng đồng đi “tìm kiếm” người đồng tính và song tính nam để tăng chỉ tiêu xét nghiệm không phải là một chiến lược thông minh và hiệu quả. Một phần vì việc này rất khó khăn, tốn kém, một phần vì bản thân việc xét nghiệm không thực sự ngăn chặn việc lây nhiễm HIV mà đeo bao cao su khi quan hệ tình dục mới ngăn chặn điều đó. Dự án chỉ nên tập trung truyền thông để những người có hành vi nguy cơ như rách bao cao su khi quan hệ, hoặc chảy máu, hoặc tiếp xúc với dịch cơ thể có HIV đi xét nghiệm để biết mình có bị lây nhiễm hay không.

Vì đa số người có HIV không biết tình trạng có HIV của mình nên các can thiệp cần tập trung vào khuyến khích quan hệ tình dục có sử dụng bao cao su. Dù tình trạng là gì, người đồng tính và song tính nam nên áp dụng hành vi an toàn "như thể là" bản thân mình hoặc bạn tình của mình có khả năng có HIV. Việc đeo bao cao su giúp bảo vệ họ, hoặc giúp bảo vệ bạn tình, ngăn cản sự vô tình lây nhiễm bệnh cho người khác. Đây nên là cốt lõi của các chương trình phòng chống HIV hơn là việc tuyên truyền tăng số người xét nghiệm hoặc khuyến khích các hành vi “an toàn” như “không quan hệ tình dục”.

Bên cạnh đó, việc chăm sóc và điều trị những người đã biết mình có HIV rất cần thiết. Hiện các chương trình phòng chống HIV chỉ coi họ là bệnh nhân nên tập trung vào việc điều trị ARV thay vì coi họ là một con người với đầy đủ nhu cầu, bao gồm cả nhu cầu quan hệ tình dục. Điều này đồng nghĩa với việc hỗ trợ những người có HIV về tâm lý để họ có ý thức về bản thân và trách nhiệm bảo vệ bạn tình. Định kiến và kỳ thị cũng cần phải xóa bỏ để người có HIV không cảm thấy cô độc, bị bỏ rơi, để họ tự có trách nhiệm ngăn cản việc lây nhiễm HIV cho người khác.

Các chương trình phòng chống HIV cần thay đổi ưu tiên để đảo ngược thực tế tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng đồng tính và song tính nam ngày càng cao. Các can thiệp nên tập trung vào việc tăng cường hành vi sử dụng bao cao su và điều trị chăm sóc những người có HIV, hơn là đầu tư vào việc tìm kiếm để đơn thuần tăng số người đi xét nghiệm HIV. Để đạt được điều này, cần ưu tiên xây dựng văn hóa tình dục an toàn của cộng đồng, một văn hóa coi trọng sử dụng bao cao su, trân trọng sức khỏe bản thân, và có trách nhiệm bảo vệ bạn tình. Khi đó, việc xét nghiệm sẽ trở thành một phần văn hóa tình dục hơn là việc “tôi đi xét nghiệm vì dự án muốn tôi đi xét nghiệm”.