
DN: Là một người hỗ trợ Viện iSEE ngay từ đầu về phát triển tổ chức, đâu là những khoảng khắc làm chị nhớ?
Bích Tâm: Khi Bình chia sẻ với tôi bản đề án thành lập tổ chức, tôi ngay lập tức thấy thích và bị hấp dẫn khi mở trang đầu tiên của tài liệu. Khác với cách lý giải truyền thống bằng các phân tích vĩ mô, mục đích to lớn, hay các vấn đề quan trọng, những người sáng lập iSEE lại bắt đầu từ câu chuyện về một người phụ nữ ở Hà Tây. Tôi không nhớ hết chi tiết, nhưng đại khái một lần đi công tác, đầu giờ sáng Bình đến UBND xã và thấy một người phụ nữ trông rất lam lũ, ôm nón ngồi ở ngoài có dáng vẻ đợi ai đó. Đến trưa, đi phỏng vấn về, Bình vẫn thấy chị nhẫn nại vân vê nón ngồi chờ. Hỏi ra mới biết chị đang đợi chủ tịch xã về xin một cái dấu chứng nhận gia đình nghèo để miễn viện phí cho con. Con chị bị ung thư máu đang nằm điều trị trên Hà Nội, nhưng chị vẫn phải đợi để xin một con dấu. Đây chính là một trong nhiều động lực để những người sáng lập iSEE muốn tạo ra sự thay đổi, để những người như chị phụ nữ kia không phải ôm nón đợi chờ khi con mình nằm viện. Tôi luôn tin rằng kết quả của phát triển nó không phải là con số mà nó là khuôn mặt những con người cụ thể và iSEE quan tâm đến số phận của từng con người. Quan điểm này là điều hấp dẫn ở iSEE để cá nhân tôi đi cùng các bạn ấy cho đến tận hôm nay.
Khoảng khắc thứ hai tôi nhớ đó là năm 2011 khi tham gia cùng một chuyên gia quốc tế, anh Matt Desmond, đánh giá năng lực tổ chức của iSEE sau 4 năm hoạt động. Tôi đã vô cùng ấn tượng với sự phát triển nhanh chóng của iSEE. Từ một nhóm nhỏ các bạn trẻ có một văn phòng nhỏ thuê trên phố Nguyễn Tri Phương, iSEE đã phát triển thành một tổ chức có tiếng nói trong lĩnh vực hoạt động của mình. Quan trọng, iSEE đã hấp dẫn và có được quan hệ đối tác rất tốt với các cơ quan nhà nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan báo chí, và đặc biệt là cộng đồng những người trẻ, nhóm LGBT, dân tộc thiểu số, và các tổ chức xã hội dân sự khác. Khi phỏng vấn, mọi người đều nói về những giá trị tốt đẹp mà iSEE theo đuổi. Tôi nhận ra, chính những điều tử tế, tốt đẹp ở iSEE hấp dẫn mọi người. Matt Desmond và tôi hay trao đổi, “quality attracts quality” và điều này cũng đúng với iSEE vì các bạn đã có những đối tác rất tuyệt vời, và có một nhóm đồng nghiệp tuyệt vời làm việc với nhau.
Tuy nhiên, một phát hiện của nhóm đánh giá là khái niệm “binhSEE”. Rất nhiều đối tác nhắc đến iSEE như là nhắc đến Bình. Mọi người đều nhìn thấy vai trò nổi trội của Bình và có một sự lẫn lộn giữa thương hiệu cá nhân và thương hiệu tổ chức. Điều này được mang ra thảo luận rất nghiêm túc và tôi chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng trong cách làm việc của iSEE. Tôi vẫn nhớ khi dự buổi giới thiệu sách “Tớ Kể Bạn Nghe” của trẻ em dân tộc thiểu số, Thảo – Giám đốc truyền thông của iSEE đã điều hành cuộc đó một cách rất ấn tượng, rồi Ngọc – Giám đốc mảng nâng cao nhận thức xã hội đã điều hành toàn bộ Triển lãm “Văn hóa của mình” trong TP. Hồ Chí Minh, Huy – Cán bộ mảng LGBT đã thay mặt iSEE trả lời báo chí truyền thông, tham gia các buổi Hội thảo vận động chính sách với Bộ tư pháp, văn phòng quốc hội về các vấn đề hôn nhân cùng giới, chuyển đổi giới tính. Tôi cảm thấy iSEE thực sự coi trọng các góp ý của nhóm đánh giá, và họ thực sự muốn phát triển tổ chức một cách bền vững và hiệu quả nhất cho sứ mệnh của mình. Và họ đã thành công trong việc xóa bỏ “binhSEE” vì làm sắc nét thương hiệu “iSEE”.
DN: Bây giờ anh Bình đã nghỉ hưu thật, trong suốt quá trình giúp iSEE chuyển giao lãnh đạo, chị đã bao giờ nghi ngờ tiến trình này không?
Bích Tâm: Thực sự việc chuyển giao lãnh đạo ở iSEE đã được bàn đến khoảng 3 năm trước. Tôi nhớ, khi ý tưởng đó mới được đưa ra, nhiều người “choáng váng”. Một anh Giám đốc của một tổ chức quốc tế còn “không thể tin được iSEE mà không có Bình thì sẽ như thế nào”. Tôi thì chưa bao giờ không tin vào sự nghiêm túc của iSEE khi đưa vấn đề này ra, mà tôi chỉ lo lắng tiến trình này sẽ diễn ra như thế nào, ai sẽ là người thay Bình, đối tác sẽ tiếp nhận vấn đề này như thế nào….
Điều thú vị là quá trình này thực sự đã giúp cho từng cá nhân và iSEE trưởng thành lên rất nhiều. Những nhân tố mới rất độc lập trong suy nghĩ xuất hiện và đóng góp cho tổ chức nhiều hơn. Nhưng quan trọng hơn cả, iSEE đã làm rất kỹ về phần giá trị và văn hóa của tổ chức. Họ hiểu văn hóa và giá trị cần thiết cho tổ chức như neo giữ cần cho con tàu vững vàng trong giông tố. Và giá trị nó không thể chỉ là những mỹ từ viết trong Hồ sơ tổ chức mà nó phải là những điều từng thành viên trong tổ chức đó tin và thực hành hàng ngày. Tôi nhớ, các cuộc thảo luận về giá trị rất lâu, từng câu chữ được cân nhắc để cuối cùng các giá trị bình đẳng, dân chủ, tự do được lựa chọn.
Một trong những điều iSEE làm được mà tôi thấy các tổ chức khác nếu muốn chuyển giao lãnh đạo có thể áp dụng, đó là tạo ra các cơ hội cho mọi người thực hành quyền Viện trưởng. Tôi vẫn nhớ hôm đầu tiên Thảo làm quyền viện trưởng, khi đến văn phòng đã thấy Bình ngồi ở trong góc nơi Thảo hay ngồi. Thì ra, sáng hôm đó Bình đã đến sớm, thu dọn toàn bộ tài liệu và vật dụng của mình trong phòng riêng của Viện trưởng, và đưa toàn bộ tài liệu và máy tính của Thảo vào. Bình đã ra ngoài ngồi như một nhân viên khác của Viện. Sau này khi chia sẻ, Thảo đã thực sự cảm động vì điều đó, và Thảo nói rằng hành động của Bình làm cho Thảo có được niềm tin vào sự ủng hộ của Bình cho mình. Từ góc nhìn về quyền lực và phát triển tổ chức, tôi thấy hành động đó vô cùng quan trọng. Nó không đơn giản chỉ là đổi chỗ ngồi, nó là cam kết của người đang nắm giữ quyền cao nhất của tổ chức. Nó tạo niềm tin cho nhân viên là việc thay đổi Viện trưởng là có thật, là đang thực sự diễn ra. Nó cũng củng cố thêm giá trị dân chủ của tổ chức vì phòng riêng của Viện trưởng giống như Nhà Trắng ấy, khi anh nắm quyền anh ở đó, khi anh không còn nắm quyền anh dọn ra để người mới vào.
DN: Nhưng chị có nghĩ việc thay Viện trưởng có rủi ro gì không?
Bích Tâm: Dù mọi người không gọi là binhSEE nữa nhưng trong lòng mọi người vẫn có những ngưỡng mộ, tôn trọng với Bình, và không thể phủ nhận được những đóng góp của Bình. Chính vì vậy, nó không hẳn là rủi ro mà là thách thức thực sự làm sao iSEE có thể có những ý tưởng sáng tạo và tiếp tục đi đầu trong những việc mình làm.
Tôi thì vẫn tin ở iSEE. Tuy là một tổ chức nhỏ nhưng iSEE có thể tập hợp những người sáng tạo và có năng lực vì giá trị đẹp, sứ mệnh hấp dẫn, và sự cởi mở của mình. Chính vì vậy, nếu iSEE tiếp tục duy trì sự hấp dẫn thì mọi người sẽ tiếp tục đến, làm cùng, và cùng xây dựng. Sự hấp dẫn nó rất tinh tế, nó là cách đón nhận một ý kiến, phản hồi một ý kiến, triển khai một ý kiến. Mình cần làm nhỏ cái tôi để cái chung, cái đồng nghiệp, cái đối tác nó được tôn trọng và hiện diện.
Cá nhân tôi thích hợp tác với iSEE vì thấy mình được lắng nghe, những ý tưởng đóng góp của mình được triển khai hiệu quả, nếu không được triển khai thì cũng biết là vì sao, và chính vì vậy mình muốn tiếp tục đóng góp cho tổ chức này. Tôi rất tâm đắc hình ảnh iSEE là một đốm lửa ấm áp mọi người thích đến ngồi bên và mang lửa đi đến những vùng khác, tỏa sáng, sưởi ấm cho thêm nhiều người. Điều này không phải dễ mà là một phẩm chất quan trọng, vì để hấp dẫn ngoài cái đầu sáng láng thì cần một trái tim ấm áp.
DN: Là người đi cùng iSEE suốt quá trình này, chị thấy có bài học gì muốn chia sẻ với các tổ chức khác?
Bích Tâm: Điều đầu tiên tôi muốn khẳng định thay đổi là khó, mọi người thường phản ứng ngay lập tức với thay đổi. Chính vì vậy, cần có sự kiên định của người đứng đầu trong việc thể hiện quyết tâm ra đi. Họ cần công khai “ngày này, tháng này, năm này tôi sẽ nghỉ”, vì nếu chỉ nói “tôi sẽ ra đi” thì mọi người chắc chắn sẽ níu kéo họ ở lại. Nói cách khác, họ phải dám buông bỏ. Đôi khi một vị giám đốc không dám buông không phải vì họ tham quyền cố vị mà họ sợ con thuyền không đi đúng hướng nếu họ không cầm lái, hoặc họ lo cho cuộc sống của những người trên thuyền. Nói vậy không có nghĩa là những người dám buông là những người không có trách nhiệm với tổ chức. Trái lại thực sự họ rất có trách nhiệm và họ có niềm tin. Có trách nhiệm bởi họ hiểu sức sống của một tổ chức không nên chỉ phụ thuộc vào một cá nhân và họ tin ở những người đã làm cùng họ, tin vào những nền tảng họ đã tạo ra. Quá trình “buông bỏ” này được làm rất tốt ở iSEE. Tôi nhớ có cuộc họp mọi người thảo luận mãi và không ra được quyết định. Có người đề nghị đợi hỏi anh Bình, nhưng có người khác nói ngay là “anh Bình đã tuyên bố rõ ràng iSEE của mọi người nên mọi người phải quyết”. Chính vì vậy, mọi người lại tiếp tục thảo luận và cuối cùng quyết định đã đạt được.
Bài học thứ hai là phát triển tinh thần lãnh đạo tổ chức. Tinh thần lãnh đạo tổ chức không phải là phát triển ai làm lãnh đạo hay chuẩn bị cán bộ nguồn, mà là phát triển các phẩm chất lãnh đạo của tất cả mọi người. Điều này xây dựng tính dám khởi xướng, dám làm, dám lên tiếng chứ không chỉ theo người lãnh đạo. Ví dụ ở iSEE, mọi người bàn “ai sẽ là người giữ giá trị tổ chức”, vì mọi người hiểu giá trị và văn hóa có thể không mất đi ngay lập tức, nhưng nó sẽ bị xói mòn dần dần như “ếch chín trong nồi” nên khó phản ứng. Chính vì vậy, ai cũng cần phải lên tiếng khi thấy những biểu hiện ban đầu của sự giảm chất lượng hoạt động hay giá trị tổ chức bị xâm phạm.
Thứ ba là về truyền thông cho quá trình thay đổi này cũng rất quan trọng để nhận được sự ủng hộ của tất cả mọi người, trong cũng như ngoài tổ chức. Tôi thấy iSEE làm việc này rất tốt trong nội bộ, tất cả mọi người đều tham gia, bàn luận, và quyết định tiến trình thay đổi như thế nào, cơ cấu quản trị mới của tổ chức là gì, chiến lược sắp tới là gì. Tuy nhiên, việc truyền thông ra bên ngoài chưa được chú trọng lắm, hơi chậm, chính vì vậy không phải tất cả đối tác và những người quan tâm đến iSEE hiểu hết. Việc người sáng lập tổ chức nghỉ khi tổ chức đang phát triển rất tốt rất ít ở Việt Nam, chính vì nó mới lạ với nhiều người nên gây ra những lời đồn đoán lý do Bình nghỉ. Chắc vì khác với logic thông thường nên có người phải suy diễn các lý do khác hợp lý cho họ. Họ không chịu được lý do đơn giản là “đã tám năm rồi cần phải nghỉ để người sau lên”, giống như các chế độ dân chủ người ta hạn chế số nhiệm kỳ của tổng thống. Họ giới hạn vậy không phải tổng thống hiện tại không tốt, mà để ngăn ngừa rủi ro hình thành độc tài, hoặc sự xuống cấp của người lãnh đạo và đây chính là điều mà iSEE đã làm được.
DN: Với cá nhân chị, chị có rút ra được gì cho bản thân mình khi tham gia tiến trình này của iSEE?
Bích Tâm: Tôi học được rất nhiều. Điều đầu tiên tôi thấy sự làm gương rất quan trọng. Mình nói được, mình phải thực hiện được. Việc làm gương rất có ý nghĩa và tạo niềm tin với những người xung quanh.
Thứ hai, quá trình này rất phức tạp, tạo ra cảm xúc khác nhau ở những người khác nhau. Có người thấy thay lãnh đạo là một cơ hội, có người coi là một thách thức, và mọi người sẽ phản ứng khác nhau nhưng tất cả đều vì sự phát triển của tổ chức. Chính vì vậy, chúng ta cần tôn trọng, nâng niu các cảm xúc khác nhau chứ không nên ủng hộ cảm xúc này vì nó phù hợp với ý nghĩ của mình, hay vùi dập cảm xúc kia vì nó đi ngược lại điều mình mong muốn. Điều này giúp mọi người tin tưởng, thể hiện cảm xúc thật của mình, lo lắng thật của mình để cùng nhau giải quyết, vì mục đích chung.
Cuối cùng, tiến trình này cho tôi niềm tin là các giá trị tốt đẹp sẽ phát triển. Nó cũng là niềm tin vào iSEE, vào sự tiếp tục phát triển của iSEE vì các bạn ấy đã đi qua một tiến trình phức tạp một cách minh bạch, dân chủ, không bị lợi ích cá nhân chi phối. Tôi tin và tôi chúc iSEE tiếp tục thành công.
DN: Xin cảm ơn chị!