Một kỹ thuật lập pháp quan trọng trong xây dựng pháp luật, kể cả Hiến pháp, là đưa ra nguyên tắc hoặc giá trị xuyên suốt. Các nguyên tắc và giá trị cần rõ ràng, không thể mâu thuẫn hoặc loại trừ nhau, và không thể hiểu sai vì chúng là nền tảng cho việc xây dựng nội dung, đặc biệt những nội dung còn khác biệt giữa các cá nhân trong ban soạn thảo. Nếu không có hoặc không tuân thủ các nguyên tắc và giá trị này, chắc chắn Luật pháp sẽ không nhất quán, bị ý chí chủ quan của một số người có quyền lực áp đặt.

Ảnh: một lễ cưới tập thể trong lễ hội Tôi Đồng Ý ở TPHCM (nguồn: Tôi đồng ý)
Ảnh: một lễ cưới tập thể trong lễ hội Tôi Đồng Ý ở TPHCM (nguồn: Tôi đồng ý)


Vì vậy, trong các văn bản pháp luật thường có một điều nói về nguyên tắc áp dụng, các nguyên tắc này không được mâu thuẫn với nguyên tắc của văn bản pháp luật cao hơn. Ví dụ, Luật không thể trái Hiến pháp, Nghị định không thể trái Luật, Thông tư hướng dẫn không thể trái Nghị định. Đây cũng là lý do mà pháp luật không được đưa những giá trị hoặc tuyên bố mơ hồ vào vì nó sẽ gây khó khăn cho việc diễn giải, hoặc tạo điều kiện cho nhóm nắm quyền lực trục lợi.

Hiến pháp Việt Nam có một nội dung rất quan trọng, đó là điều 16 quy định (i) mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và (ii) không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đây là nền tảng của một nhà nước pháp quyền và dân chủ, đảm bảo mọi công dân đều được đối xử như nhau dù họ là bất kỳ ai. Đây cũng là nguyên tắc mà luật, nghị định, thông tư không thể vi phạm. Nói cách khác, bất cứ công dân nào khi thấy mình bị phân biệt đối xử bởi một Luật hoặc quy định nào của nhà nước đều có thể kiện ra tòa án.

Theo nguyên tắc này, dễ dàng thấy Luật hôn nhân và gia đình đang vi phạm nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử. Cụ thể, Luật không thừa nhận hôn nhân của những người cùng giới tính là phân biệt đối xử với người đồng tính, vi phạm quyền bình đẳng của họ. Việc này không những ngăn cản người đồng tính thực hiện quyền mà còn nuôi dưỡng sự kỳ thị và phân biệt đối xử trong cuộc sống. Quy định này còn tạo ra sự bất công cho những đứa trẻ sống trong các gia đình đồng tính.

Luật hôn nhân gia đình cũng phân biệt đối xử với người dị tính không đăng ký kết hôn. Trong luật, những gia đình khác giới có đăng ký kết hôn thì được bảo vệ quyền cao nhất còn các gia đình khác giới không đăng ký kết hôn (hôn nhân thực tế) thì Luật lại không thừa nhận “gia đình” của họ. Luật thậm chí không xác lập quyền sở hữu tài sản chung của họ, bắt họ phải tự thỏa thuận theo hợp đồng dân sự. Điều này dẫn đến những bất bình đẳng, thiệt thòi cho thành viên yếu hơn trong gia đình, cụ thể là phụ nữ và trẻ em.

Tại sao sự mâu thuẫn trầm trọng giữa Luật hôn nhân và gia đình với Hiến pháp lại được “chấp nhận” như vậy? Có lẽ, trong vấn đề gia đình, một loạt các giá trị mơ hồ đã thắng thế các nguyên tắc cơ bản bảo vệ quyền con người.

Trong điều 2 về những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình, khoản 5 ghi “Truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình được kế thừa, phát huy”. Trên thực tế, đây chính là nguyên tắc mơ hồ và có thể được hiểu và vận dụng tùy tiện vì “truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp” không có định nghĩa rõ ràng. Văn hóa và đạo đức thay đổi theo thời gian, và khác nhau giữa vùng này và vùng khác, người này và người khác. Chính vì vậy, khi “văn hóa truyền thống, đạo đức tốt đẹp” của người cầm bút viết luật mâu thuẫn với nguyên tắc “bình đẳng và không phân biệt đối xử” thì bất bình đẳng vẫn bị duy trì.

Thật không may cho người đồng tính vì “văn hóa truyền thống, đạo đức tốt đẹp” của gia đình vẫn là duy trì nòi giống chứ không chỉ là yêu thương và cam kết chăm sóc giúp đỡ lẫn nhau. Thật không may cho những cặp đôi khác giới sống chung mà không đăng ký vì “văn hóa truyền thống, đạo đức tốt đẹp” vẫn coi việc nam nữ sống chung, tình dục trước hôn nhân là không tốt đẹp. Chính vì vậy, Luật hôn nhân và gia đình vẫn chưa bảo vệ được quyền bình đẳng cho họ.

Nhà nước pháp quyền mà Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là nhà nước sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền bình đẳng cho tất cả mọi người. Nếu chúng ta tiếp tục xử dụng các giá trị văn hóa truyền thống, đạo đức mơ hồ để áp đặt ý chí của nhóm người này (thường là có quyền lực) lên nhóm người khác (thường là ít quyền lực hơn) thì con đường đi đến đích còn nhiều mung lung lắm!