Khi còn nhỏ tôi sống cạnh khu ký túc xá của một trường đại học, cứ đến tầm chiều loa trường lại bật một bài hát mà cho tới giờ vẫn hằn sâu trong ký ức của tôi: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay.” Tôi nhớ từng hỏi mẹ tại sao ngày nào người ta cũng bật bài hát đó, Tổ quốc là gì, tại sao tôi phải làm gì cho Tổ quốc. Giống như nhiều bà mẹ muốn thoát khỏi đứa con phiền nhiễu, mẹ tôi chỉ trả lời qua loa: “À người ta tuyên truyền cho sinh viên ấy mà con.” Ngẫm lại tôi thấy rằng nhiều người cũng coi những bài hát như thế là hình thức tuyên truyền và lời bài hát là một dạng sáo ngữ không có nhiều ý nghĩa.
Lớn lên tôi được tiếp xúc với các tư tưởng tự do cá nhân, rồi được đi học nước ngoài và tiếp xúc với nhiều người Việt đi học rồi định cư lại và không về nữa, lời bài hát kia lại càng trở nên giáo điều và phi thực tế. Tôi là một cá nhân tự do và độc lập, tôi chỉ ngẫu nhiên sinh ra ở đất nước Việt Nam, tại sao tự dưng tôi lại bị ràng buộc và phải có trách nhiệm với đất nước này? Tôi chỉ có một nghĩa vụ duy nhất là với chính mình, tôi không mắc nợ gì đất nước Việt Nam nên tôi cũng không có nghĩa vụ phải trả nợ. 

Thế mà khi đội tuyển Việt Nam vượt qua vòng đấu bảng ở Giải vô địch U23 châu Á, rồi bất ngờ thắng Iraq, Quatar để lọt vào chung kết, một niềm tự hào và phấn khích trào dâng trong tôi. Tôi đọc tất cả các bài báo về đội tuyển, lên mạng xã hội cập nhật từng phút về hành trình của đội tuyển, và xem các trận đấu để ủng hộ đội tuyển. Hay khi nghe tin tức về lũ lụt, sạt lở ở các tỉnh Tây Bắc Việt Nam, tôi thấy đau lòng hơn rất nhiều so với khi nghe tin có bão ở Florida, Mỹ. Khi đi ăn ở một nhà hàng Việt Nam trên đất Mỹ và được nói tiếng Việt với người phục vụ, tôi cảm thấy thân thương và vui sướng kỳ lạ, rồi có lúc nước mắt giàn giụa khi được ăn một tô bún bò Huế đúng điệu. Lúc ấy tôi mới thấm thía những điều Michael Sandel viết trong cuốn “Phải trái đúng sai": Nếu chúng ta hiểu mình là cái tôi độc lập và tự do, không bị ràng buộc bởi quan hệ đạo đức mình không chọn, chúng ta sẽ không thể cảm thấy ý nghĩa của hàng loạt các nghĩa vụ đạo đức và chính trị mà chúng ta thường công nhận, thậm chí tôn vinh. Trong đó có nghĩa vụ đoàn kết và trung thành, ký ức lịch sử và đức tin tôn giáo - những luận điểm đạo đức phát sinh từ các cộng đồng và truyền thống định hình nên bản sắc chúng ta.”

“Quan hệ đạo đức mình không chọn" ở đây chính là trách nhiệm với cha mẹ, đồng bào, và đất nước. Nói là “không chọn" vì khi sinh ra trên đời, không ai hỏi mình có muốn nhận những trách nhiệm này không, đó là những nghĩa vụ mà mình tự có, vì đi cùng đó là bản sắc, là nền tảng cho con người mà mình trở thành.
 
Tôi là ai? Điều gì tạo nên tôi?

Mỗi chúng ta có một câu chuyện riêng về cuộc đời mình, và câu chuyện đó được hình thành từ vô vàn các mảnh ghép. Nhà triết học MacIntyre nói: “Tất cả chúng ta tiếp cận hoàn cảnh với tư cách người mang một đặc tính xã hội cụ thể. Tôi là con của ai đó, là anh họ hay chú của ai đó; là dân thành phố này hay thành phố khác, là thành viên của nhóm nghề này hay nhóm nghề khác; thuộc về gia tộc này, bộ tộc kia, quốc gia nọ.” Thành phố nơi tôi sinh ra, khu phố nơi tôi lớn lên, những người bạn, người hàng xóm, người họ hàng tôi từng gặp, những di sản của gia đình, tổ tiên, mỗi thứ là một mảnh ghép tạo nên con người tôi. Những thứ ấy ở bên ngoài tôi và vốn không phải là tôi, nhưng khi được ghép chung lại tạo nên chính tôi. Nếu bỏ đi gốc gác của tôi, bỏ đi những quá khứ mà tôi thừa hưởng từ gia đình, thành phố, dân tộc, đất nước, tôi không còn tồn tại nữa. MacIntyre cho rằng thật là nông cạn khi cho rằng “có thể tách rời cái tôi khỏi vai trò và trạng thái xã hội và lịch sử” bởi vì “câu chuyện đời tôi luôn gắn với câu chuyện của cộng đồng đã cho tôi bản sắc” và chủ nghĩa cá nhân “thất bại trong việc lý giải trách nhiệm đặc biệt chúng ta có với đồng bào của mình.”

Trong tri thức của người châu Phi có khái niệm “Ubuntu": “Tôi là tôi vì chúng ta là chúng ta" (I am who I am because of who we are). Trong Phật giáo, thầy Thích Nhất Hạnh dùng khái niệm “tương tức" (interbeing) để truyền tải tới thế giới ý nghĩa của vạn vật và nguồn cội trong sự tồn tại của mỗi người. Thầy nói: “Chúng ta nghĩ chúng ta có một tự thân. Nhưng không có gì khác ngoài một tự thân phân chia các cá nhân. Một bông hoa chỉ được tạo thành từ các yếu tố không phải của hoa, như chất diệp lục, ánh sáng và nước. Nếu chúng ta định bỏ đi hết những yếu tố không là của hoa đó, sẽ chẳng còn hoa nữa. Một bông hoa không thể chỉ là chính nó. Một bông hoa tương tức với tất cả chúng ta… Con người cũng thế. Chúng ta không thể tồn tại một mình. Chúng ta tương tức. Tôi được tạo thành bởi các yếu tố không là của tôi, như Trái Đất, mặt trời, cha mẹ, tổ tiên.” Hoá ra tôi không độc lập và tự do như tôi tưởng. Tôi phụ thuộc và tôi ràng buộc, bởi những điều và những người có ý nghĩa đã góp phần tạo nên tôi. 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Heather Mount từ Unsplash.


Hạnh phúc khi được thuộc về 

Quay trở lại với niềm tự hào và hạnh phúc của tôi khi tuyển U23 lọt vào chung kết AFC 2018, thực sự thì điều gì làm tôi phấn khích đến vậy? Hàng chục triệu người dân Việt Nam cũng trải qua những giờ phút thăng hoa như tôi. Điều gì khiến họ quên ăn quên ngủ theo dõi đội bóng, đổ xô ra đường cùng với nhau, tay bắt mặt mừng, ôm hôn những người xa lạ trên đường và cùng hò reo chúc mừng thành công của đội bóng? Tôi chắc hẳn nhiều người sẽ nói rằng họ đã có những khoảnh khắc vui sướng tột độ.

Phần lớn chúng ta đều muốn tìm kiếm hạnh phúc. Nhà tâm lý học Jonathan Haidt cho rằng con người cảm thấy hạnh phúc nhất khi họ là một phần của một tập thể hoặc một điều gì đó lớn lao hơn chính họ. Thử nhớ lại mà xem, đâu là khoảnh khắc khiến bạn hạnh phúc trong đời? Có phải là lúc bạn chiến đấu cùng đồng đội và đội của bạn chiến thắng? Hay lúc dự án của bạn thành công và bạn quay qua ôm những người đồng nghiệp đã sát cánh cùng nhiều tháng qua? Hay khi bạn hò reo quên mình để cổ vũ cho đội bóng yêu thích? Khi bạn tụ tập đánh đàn và hát nghêu ngao cùng nhóm bạn? Lúc bạn tham gia diễu hành để phản đối/ủng hộ một điều gì đó? Hay nhìn thấy nụ cười của các em nhỏ vùng cao khi bạn đi tình nguyện? Đó đều là những khoảnh khắc khi chúng ta quên đi bản thân và hoà mình vào cộng đồng, vào một điều gì đó lớn lao hơn hạnh phúc cá nhân đơn thuần. 

“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay.” Tôi nhớ lại bài hát hồi bé ký túc xá gần nhà vẫn bật và nhận ra câu hát thực chất thấm đẫm tinh thần công dân. Sự gắn bó và trách nhiệm với quê hương là điều mà tôi có thể không tự lựa chọn, nhưng chính chúng lại kết nối tôi với nguồn cội của mình và giúp tôi nhìn thấy chính mình. Tổ quốc không chỉ là lãnh thổ hình chữ S nơi tôi sinh ra, Tổ quốc còn là một thực thể sống động và không có biên giới, bao gồm tất cả những con người Việt Nam tôi từng gặp và chưa từng gặp, những người sống cùng khu phố hay khác khu phố, cùng biên giới hay ở hải ngoại. Khi tôi tập hợp lại với họ và làm một điều gì đó dù nhỏ bé, như quét dọn khu dân cư, nấu cơm cho người thu nhập thấp, quyên góp cho người dân vùng lũ lụt, hay lên tiếng vì quyền của nhóm yếu thế, đó là khi tôi đang làm gì đó cho Tổ quốc của mình, cũng là cho chính mình. Và vì tôi quên đi bản thân mình và trở thành một phần của cộng đồng khi ấy, tôi thực sự có được hạnh phúc.