
Tự do hiệp hội là quyền cơ bản của con người
Quyền tự do hiệp hội, được ghi nhận trong Tuyên ngôn Quốc tế về Quyền con người năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, là một quyền cơ bản của con người có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy các quyền con người khác. Ở Việt Nam, quyền tự do lập hội được hiến định tại điều 25 của Hiến pháp Việt Nam sửa đổi năm 2013. Thông qua việc lập hội, tham gia hội, các cá nhân liên kết với nhau để bảo vệ các quyền tự do cá nhân, hỗ trợ nhau trong các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong lĩnh vực chính trị, quyền tự do hiệp hội cũng có vai trò thiết yếu đối với việc hiện thực hóa quyền bầu cử, ứng cử và quyền tham gia quản lý đất nước. Đối với các nhóm dễ bị tổn thương (người khuyết tật, người lao động nhập cư, người đồng tính, song tính và chuyển giới…), quyền tự do hiệp hội càng có vai trò quan trọng trong việc góp phần giảm, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn phân biệt đối xử và kỳ thị, cũng như để bảo vệ các quyền khác của họ khi mà tiếng nói của những cá nhân thuộc những nhóm này dễ bị xã hội, hoặc nhà nước bỏ qua. Việc ra đời Luật về Hội sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc thúc đẩy quyền hiệp hội và sẽ là nền tảng tốt để thúc đẩy các quyền con người trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay.
Theo cách hiểu phổ biến trên thế giới quyền hiệp hội có ba thành tố chính: i) Quyền thành lập hội; ii) Quyền gia nhập hội; iii) Quyền tự do hoạt động và điều hành các hội. Tương tự như các quyền con người khác, việc thực hiện quyền hiệp hội – một quyền tự do của mỗi cá nhân, cũng gắn liền với những nghĩa vụ của Nhà nước nhằm đảm bảo quyền tự do cơ bản của người dân, bao gồm: i) tôn trọng tính tự chủ và độc lập của các hội; ii) tạo cơ hội tiếp cận các nguồn lực tài chính; iii) bảo đảm sự bình đẳng giữa các cá nhân và các hội; và iv) có cơ chế pháp lý phù hợp để xử lý các hành vi xâm phạm đối với quyền tự do hiệp hội.
Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết tích cực trước các nước thành viên của Liên Hợp Quốc và Hội đồng Nhân Quyền Liên Hợp Quốc về việc thực thi đầy đủ theo các chuẩn mực tiến bộ nhất về các quyền con người nói chung, và 11 vấn đề cụ thể về quyền tự do hiệp hội tại Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về Nhân quyền năm 2014. PPWG tin rằng việc xây dựng và phê chuẩn Dự thảo Luật về Hội trong thời gian tới chắc chắn là một cơ hội để Việt Nam thể hiện những cam kết tích cực này.
Dự thảo Luật về Hội cần đảm bảo quyền tự do hiệp hội của người dân
PPWG rất hoan nghênh việc Dự thảo Luật về Hội được Quốc hội Việt Nam quyết định dự kiến thông qua trong kỳ họp tháng 10 năm 2016 của Quốc hội Khóa XIII sau hơn 10 năm trì hoãn. PPWG cũng rất vui mừng vì bản dự thảo đã ngay lập tức được Bộ Nội vụ đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ từ ngày 4/6/2015 để lấy ý kiến nhân dân kể từ ngày này đến 4/8/2015, theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật về lấy ý kiến đối với các dự luật.
Việc soạn thảo và lấy ý kiến nhân dân về Dự luật đã thể hiện thiện chí của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế về đảm bảo và thực thi các quyền con người theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, bản dự thảo hiện nay còn có một số điểm hạn chế cần được khắc phục. Đó là Dự thảo (i) chưa nêu bật nguyên tắc quyền tự do hiệp hội là đương nhiên, đã được bảo vệ trong Hiến pháp, Luật về hội chỉ giúp người dân thực hiện quyền này tốt hơn mà thôi; (ii) chưa tạo ra được sự bình đẳng giữa các loại hội và giữa các cá nhân có nhu cầu hiệp hội khác nhau, và (iii) còn duy trì cơ chế can thiệp, hạn chế quá sâu đối với quyền tự do hiệp hội của các cá nhân và các hội, điều đã được công nhận trong Hiến pháp Việt nam 2013. Bên cạnh đó, Dự thảo có nhiều nội dung chưa rõ ràng, và một số điểm còn mâu thuẫn với nhau.
PPWG cho rằng một luật về hội tốt cần đáp ứng và bảo đảm việc thực hiện các quyền cơ bản, trong đó có có quyền tự do hiệp hội, phù hợp với nhu cầu thực tế xã hội tại Việt Nam, cũng như đảm bảo được các cam kết quốc tế của Việt Nam. Cụ thể:
1. Luật về Hội cần được xây dựng dựa trên cách tiếp cận quyền con người, cụ thể là quyền tự do hiệp hội, đúng theo tinh thần các cam kết quốc tế về quyền con người và tinh thần Hiến pháp 2013 của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Các điều khoản nào mâu thuẫn với nguyên tắc này cần được loại bỏ.
2. Thực tế hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều hình thức về hội, bao gồm các nhóm có đăng ký và không đăng ký với cơ quan nhà nước, hội hoạt động ở cấp cộng đồng, quốc gia hoặc quốc tế, hội hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa hoặc xã hội... Luật cần được xây dựng trên cơ sở bảo vệ tự do và bình đẳng trong hiệp hội của tất cả mọi người, nhà nước tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền này của người dân.
3. Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý phù hợp để đảm bảo tính bình đẳng, tự chủ, tự quyết của các hội và có cơ chế pháp lý bảo vệ quyền, cũng như chế tài để xử lý các xâm phạm đối với quyền tự do hiệp hội.
Để thực hiện được ba điều trên, PPWG khuyến nghị Quốc hội và Ban Soạn thảo cần có những nghiên cứu sâu rộng hơn về nhu cầu và thực tiễn hoạt động hiệp hội của người dân, cả các hội chính thức và không chính thức, các chuẩn mực quốc tế và các mô hình cách thức thực hiện tốt quyền tự do hiệp hội trên thế giới, cũng như tạo các diễn đàn để người dân quan tâm và đóng góp hiệu quả hơn.
Với sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với đội ngũ các chuyên gia cũng như với số lượng hàng trăm các tổ chức và cá nhân là thành viên, PPWG có đủ năng lực và sẵn sàng đóng góp tích cực và hiệu quả cho tiến trình này.
Để tìm hiểu thêm thông tin về quá trình tham vấn của PPWG và các hoạt động liên quan, xin liên hệ với Bà Vũ Phương Thảo – Giám đốc truyền thông – tại địa chỉ email vpthao@isee.org.vn hoặc số máy bàn 04. 6273 7933 (máy lẻ: 105).
Thay mặt PPWG
Ông Lê Quang Bình