Hơi nóng trong xã hội về thực phẩm độc hại đã được truyền vào nghị trường trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trước Quốc hội hôm 17 tháng 11 năm 2015. Vấn đề nóng vì chỉ riêng năm 2014 đã có đến 150.000-200.000 người mắc bệnh ung thư, 82.000 người chết vì bệnh ung thư, trong đó 75- 95% số trường hợp mắc do yếu tố môi trường và an toàn thực phẩm. Đây quả là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở Việt Nam, gấp 9 lần so với số người chết do tai nạn giao thông cùng năm 2014.

Ảnh: người nông dân cần được tự do tổ chức để sản xuất rau an toàn (nguồn: internet)
Ảnh: người nông dân cần được tự do tổ chức để sản xuất rau an toàn (nguồn: internet)


Bộ trưởng Cao Đức Phát nói đúng về sự bất lực của bộ máy nhà nước trong việc quản lý thực phẩm. Bộ NN&PTNT không thể kiểm tra, giám sát hàng triệu hộ sản xuất nông lâm thủy sản. Họ cũng không thể chỉ đạo hàng chục triệu hộ gia đình mua gì, ăn gì, uống gì để tránh khỏi bị độc hại. Hiện mỗi tỉnh chỉ có khoảng 10 người làm công tác quản lý chất lượng, và dù có tăng biên chế lên 10 lần, thậm chí 100 lần thì cũng không giải quyết được vấn đề, đấy là chưa nói đến sự bất khả thi do ngân sách cạn kiệt.

Hãy tưởng tượng hàng ngày hàng triệu người sản xuất, chế biến, buôn bán thực phẩm sẽ ra những quyết định “nho nhỏ” với họ, nhưng lại vô cùng quan trọng với người tiêu dùng, đó là tôi có phun thuốc tăng trưởng thực vật để rau lớn nhanh, xanh tươi dù có chút độc hại với gia đình người mua không? Tôi có cho thêm ít chất Salbutamol vào thức ăn gia súc để tạo nạc cho lợn dù người tiêu dùng có thể bị ngấm độc dần dần không? Tôi có cho phân ure vào cá để cho cá tươi dù một số gia đình khách hàng của tôi đang dần dần tích tụ chất độc trong người? Đúng như bộ trưởng Cao Đức Phát nói, không có bộ máy chính quyền nào có thể quản lý hàng triệu quyết định ngấm ngầm hàng ngày này.

Tương tự như vậy, hàng ngày cũng có hàng triệu người tiêu dùng đứng ngẩn ngơ giữa chợ, nhìn những mớ rau tươi xanh, những súc thịt đỏ au, hay những con cá tươi mà lòng vẫn bối rối không biết có an toàn cho gia đình mình không. Họ được mệnh danh là “thượng đế”, họ được đón chào bằng những nụ cười tươi, những lời chào mời xởi lởi, nhưng họ cũng biết ẩn sau đó là những rủi ro sức khỏe, không những cho họ, mà còn cho cả ông bà, con cái, cháu chắt họ. Và có lẽ, chẳng có bộ máy chính quyền nào có thể giúp hàng chục triệu hộ gia đình hàng ngày biết mình cần phải mua gì, ăn gì, ở đâu.

Chính vì vậy, người dân không thể chạy lên kêu chính quyền, và yêu cầu chính quyền trừng phạt những người “đầu độc” cả một nòi giống dân tộc. Dù có hình sự hóa phạt tội thật nặng thì cũng không có tác dụng vì khả năng thực thi rất hạn chế. Điều quan trọng là làm sao để hàng triệu người sản xuất, hàng chục triệu người tiêu dùng tự điều chỉnh hành vi của mình.

Thử tìm hiểu một xu hướng sản xuất hiện nay đó là nông nghiệp hữu cơ. Ở đây, người sản xuất sẽ tuân thủ một quy trình chặt chẽ, đặc biệt không sử dụng thuốc hóa học nhằm diệt sâu hoặc kích thích tăng trưởng. Đây chính là cách sản xuất gần gũi với thiên nhiên, đảm bảo sức khỏe và hương vị của thực phẩm. Tuy nhiên, những người tham gia sản xuất phải thành lập các Hội để đảm bảo quy trình được áp dụng giống nhau. Nhưng quan trọng hơn, hội giúp mọi thành viên tự điều chỉnh hành vi của mình theo nội quy và giá trị đạo đức mà họ đặt ra: không gian dối trong việc sử dụng hóa chất, không đầu độc khách hàng vì lợi ích riêng của mình. Nếu ai vi phạm sẽ bị phạt, thậm chí đuổi khỏi Hội. Họ làm vậy vì họ muốn bảo vệ danh tiếng cũng như cơ hội làm ăn của mình, mà nền tảng là sự tin tưởng của khách hàng với sản phẩm hữu cơ.

Để người sản xuất nông nghiệp hữu cơ có thể phát triển, không bị cạnh tranh bất bình đẳng bởi những người làm ăn gian dối, họ cần có sự hỗ trợ của người tiêu dùng và những nhà cung cấp nhỏ lẻ. Ở đây, cần có sự ra đời của các Hội người bán lẻ, cùng nhau cam kết không nhập hàng độc hại trộn lẫn với hàng hữu cơ để kiếm lời. Hội những người bán lẻ cũng sẽ có những điều lệ và giá trị đạo đức mà họ tự đặt ra để cùng nhau thực hành. Chính vì sự trao đổi, sinh hoạt thường xuyên mà họ sẽ thúc đẩy giá trị tốt đẹp, thay vì cùng nhau thực hành các hành vi phạm pháp hoặc gây hại cho người khác. Khi đó, người tiêu dùng có thể biết thông tin rõ ràng về cửa hàng thực phẩm an toàn, nơi họ có thể đến mua. Vai trò của người tiêu dùng chính là tăng cầu, và kích thích hành vi sản xuất, chế biến, và buôn bán sản phẩm sạch.

Nghĩ về việc tổ chức hàng triệu người sản xuất vào các Hội người sản xuất, hay hàng chục nghìn người bán lẻ vào các Hội người bán lẻ sẽ thấy là một việc không khả thi. Chắc chắn không có chính quyền nào có thể đứng ra để giúp người dân thành lập Hội cả, vì như vậy nó chỉ là cái vỏ, nó sẽ chết yểu như Hợp tác xã ngày trước vì không có lõi là tinh thần hiệp hội. Tuy nhiên, nhà nước có thể cổ vũ cho tinh thần hiệp hội, tinh thần làm ăn tập thể, tinh thần hợp tác để giải quyết vấn đề chung. Từ đó, người dân sẽ tự chui ra khỏi cái vỏ vị kỷ chỉ nghĩ đến lợi ích gia đình mình, tự tìm đến nhau để giải quyết các vấn đề chung mà vẫn có được lợi ích riêng.

Tinh thần hiệp hội rất quan trọng vì nó không chỉ mang lại lợi về kinh tế, mà nó là nền tảng của đạo đức xã hội. Hãy tưởng tượng những người bác sĩ, khi họ lập hiệp hội với nhau, ngoài việc trao đổi chuyên môn, bảo vệ quyền lợi của hội viên, họ còn cùng nhau gìn giữ và thúc đẩy uy tín của nghề y trong con mắt của xã hội. Có nghĩa, họ sẽ tuân thủ những quy tắc đạo đức nghề nghiệp do chính họ xây dựng lên, nguyện cùng nhau thực hành và giữ gìn. Ai vi phạm sẽ bị khai trừ khỏi hội, và những người này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề về uy tín, thậm chí không thể tiếp tục hành nghề. Đây chính là nền tảng để xã hội có một nghề y trong sạch, nhân từ, và chuyên nghiệp. Nó có lợi cho xã hội vì những người sử dụng dịch vụ y tế sẽ được chăm sóc bởi những người bác sĩ, y tá có đạo đức.

Tinh thần hiệp hội, nếu được phát huy trong tất cả các ngành nghề từ sản xuất nông nghiệp đến kinh doanh hóa chất, từ dịch vụ làm đẹp đến giảng dậy đại học, từ ngành y đến ngành luật thì nó sẽ sẽ lan tỏa và kết tinh thành tinh thần của xã hội. Một xã hội mà ở đó khi đối mặt với một vấn đề chung nó không chạy đến cầu cứu nhà nước giải quyết hộ nó, mà nó sẽ cùng nhau chia sẻ ý tưởng, xây dựng giải pháp, và hành động để giải quyết vấn đề. Khi đó, con người sẽ không chỉ quan tâm đến mỗi cái sân nhà mình nữa, mà họ sẽ tự thấy cần quan tâm đến cả không gian công cộng, vấn đề cộng đồng, và lợi ích tập thể.

Nhà nước vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý xã hội, nhưng chỉ làm những cái từng người dân, cộng đồng và Hiệp hội không thể tự làm được. Đó là việc thi hành nghiêm túc luật cấm buôn bán và sử dụng hóa chất độc hại để tạo sân chơi công bằng cho những người sản xuất, chế biến và cung cấp thực phẩm sạch. Nhưng quan trọng hơn, nhà nước cần đảm bảo một không gian hiệp hội tự do, nơi bất cứ người dân nào cũng có thể tìm đến nhau, cùng nhau lập hội để tự giải quyết vấn đề của cộng đồng mình, ngành nghề mình, và đất nước mình. Một luật về hội bảo vệ quyền lập hội của cá nhân, tinh thần tự quyết của hội, và sự tự chủ của các thành viên là nền tảng đầu tiên và cần thiết cho tinh thần hiệp hội khởi sắc. Chỉ khi đó, các hành vi cá nhân con người mới được điều chỉnh theo những quy tắc đạo đức nghề nghiệp mà họ tự đặt ra. Lúc đó, không chỉ vấn đề thực phẩm bẩn sẽ được giải quyết bởi tinh thần hiệp hội, mà những vấn đề ô nhiễm môi trường, hay tệ nạn trong trường học, bệnh viện cũng sẽ dần dần được quét dọn.