Tại sao người ta kết hôn và lập gia đình? Vì người ta yêu nhau! Câu trả lời thật đơn giản và ai cũng đồng ý. Tại sao người ta vẫn ở với nhau khi tình yêu đã chết? Vì người ta đã quen với giả dối! Câu trả lời “chuẩn không cần chỉnh” nhưng không phải ai cũng thừa nhận.

Ảnh: ở đâu có tính yêu, ở đó có gia đình (nguồn: internet)


Gia đình Việt Nam được gán cho rất nhiều chức năng nhiệm vụ khác nhau, trong đó nổi lên bốn chức năng cơ bản. Thứ nhất, chức năng sinh sản, tái sản xuất con người. Có nghĩa, nếu không có gia đình thì con người đã tuyệt chủng. Chức năng thứ hai là nuôi dưỡng, giáo dục và hình thành nhân cách. Nguy trọng, vì ai không có gia đình đồng nghĩa họ không có nhân cách. Chức năng thứ ba là thỏa mãn nhu cầu tâm lý, tình cảm. Như vậy, không có gia đình thì sẽ cô đơn và trầm cảm. Chức năng thứ tư là đảm bảo kinh tế. Quan trọng vì không có gia đình thì không chết đói cũng đi ăn mày.

Khi con người gán cho gia đình bốn chức năng tối quan trọng trên, họ đã tự khoác lên mình bốn sứ mệnh cao cả. Bốn sứ mệnh cao cả đến mức mà nền tảng quan trọng nhất, là động lực khởi thủy để hai cá thể gắn với nhau bị quên mất: đó là tình yêu thương, sự tôn trọng và lòng trung thực trong quan hệ lứa đôi.

Vì không có con, thậm chí không có con trai nối dõi tông đường, nhiều gia đình tan vỡ vì bị sức ép từ cha mẹ, họ hàng, thậm chí là bạn bè đồng nghiệp. Tình yêu lứa đôi trở nên phù phiếm nếu tình yêu đó không “đơm hoa kết trái” thành những đứa con gái, con trai. Những lãng mạn trong yêu đương khi trước, những thề non hẹn biển khi kết hôn, chỉ là màn sương tan biến trước áp lực “nối dõi tông đường.” Có người, không muốn mang tiếng là “cổ hủ”, ngấm ngầm quan hệ với cô gái khác để có con trai nối dõi cho mình. Cả đời, họ sống trong giả dối chỉ vì mong muốn đảm bảo chức năng gia đình.

Vì muốn duy trì một ngôi nhà yên ấm làm môi trường giáo dục cho con cái, nhiều cặp vợ chồng vẫn phải gắn bó với nhau dù không còn yêu nhau nữa. Họ có thể có bạn tình, “sáng chở cơm đi ăn phở, trưa chở phở đi ăn cơm”, tối về nằm úp lưng vào nhau, lạnh nhạt trong phòng ngủ. Họ chủ động, hoặc che dấu việc làm phi đạo đức này với một lời an ủi, làm vậy vì một gia đình “êm ấm” cho con cái lớn lên bình thường.

Không còn tình yêu, nhưng họ không dám chia tay vì nếu mất gia đình có nghĩa là không thể làm nổi các chức năng “thiên định” của gia đình. Nhiều người phụ nữ bị đánh đập, hắt hủi nhưng không dám ly hôn vì nỗi sợ không còn chỗ dựa tình cảm cho mình. Họ lo cho tương lai kinh tế bấp bênh nếu không có sự chung tay của người đàn ông. Chính những chức năng được gắn cho gia đình đã làm mỗi cá thể yếu đi, làm lu mờ điều quan trọng nhất của gia đình, đó là sự yêu thương.

Như vậy, để bảo vệ gia đình, văn hóa và luật pháp phải bảo vệ tình yêu và sự tự do. Hai người yêu nhau, đến với nhau vì muốn cùng nhau hưởng hạnh phúc, chứ không phải mưu cầu cùng nhau mất tự do hoặc cùng nhau bị trói buộc. Với con trẻ, sự bảo vệ tốt nhất cho chúng chính là tình yêu của cha mẹ. Nếu cha mẹ yêu thương nhau, sinh ra chúng thì có nghĩa chúng sẽ được yêu thương và che chở. Nếu tình yêu đã chết, chỉ còn sự lừa dối và bạo lực, cũng có nghĩa lá chắn “gia đình” đã không còn tác dụng.

Và như vậy, gia đình chính là tình yêu, dù giữa hai người cùng giới hay khác giới, cùng tôn giáo hay khác tôn giáo, cùng sắc tộc hay khác sắc tộc, cùng điều kiện cơ thể hay khác điều kiện cơ thể. Văn hóa và  pháp luật nên bảo vệ tình yêu, tự do và khai phóng con người, hơn là phân biệt, trói buộc, hay ép con người phải giả dối ngay trong gia đình của mình.